Bé 7 tháng tuổi đã bắt đầu ăn dặm chính thức. Mẹ có thể cho bé ăn dặm bằng bột hoặc nấu cháo nhưng vẫn phải nghiền nhuyễn mịn thức ăn. Mẹ đã có thể kết hợp nhiều thực phẩm để nấu cháo ăn dặm cho bé 7 tháng tuổi.
Bé 7 tháng ăn bao nhiêu ml cháo?
Sữa mẹ vẫn là nguồn dinh dưỡng quan trọng và chủ yếu cho bé 7 tháng tuổi. Tuy nhiên, từ 6 tháng trở đi bé đã có thể ăn dặm và ăn từ loãng đến đặc. Tập ăn từng chút 1, từ 1 thìa – 2 thìa, nâng dần lên 50ml – 80ml cháo hoặc bột. Song song với đó là bé tiếp tục được cho bú sữa mẹ hoặc sữa công thức. Thức ăn cho bé phải đảm bảo các dưỡng chất vitamin A, vitamin C, chất xơ, carbohydrate, protein và đạm.
Bé 7 tháng tuổi đã có thể ăn được từ 100 – 200 ml cháo/ bữa/ ngày và ăn 2 – 3 bữa (bữa sáng (9h), bữa chiều (14h) và bữa tối (18h) ) . Bên cạnh đó bé vẫn tiếp tục bú 5 cữ sữa mẹ hoặc sữa công thức với lượng sữa từ 770ml – 950ml.
Tuy nhiên, lượng ăn cháo và cữ bú, lượng sữa bú của mỗi bé là khác nhau, có thể nhiều hơn hoặc ít hơn.
Lượng ăn của mỗi bé là khác nhau, tùy vào nhu cầu ăn của mỗi bé (Ảnh minh họa)
Nguyên tắc cho bé 7 tháng ăn dặm
Nguyên tắc 1: Chế độ ăn dặm phù hợp
Trong chế độ ăn dặm của bé 7 tháng tuổi cần bổ sung:
– 5 cữ bú sữa mẹ hoặc sữa công thức tương đương từ 770 – 950ml sữa/ ngày
– Uống 60 – 120ml nước lọc, nước ép trái cây (không thay thế hoàn toàn nước lọc bằng nước ép trái cây).
– Bé cần ăn từ 2 – 3 phần ngũ cốc cho các loại hạt (1 phần = 1 – 2 thìa canh) và 2 phần trái cây (1 phần trái cây = 2 – 3 thìa canh).
– 2 – 3 phần rau (1 phần bằng 2 – 3 thìa canh)
– 1 – 2 khẩu phần chứa protein (1 phần = 1 – 2 thìa canh).
Các khẩu phần ngũ cốc, rau, protein kết hợp thành các món cháo hoặc bột cho bé ăn dặm. Bé 7 tháng ăn dặm đa dạng thực phẩm với các loại thịt lợn, gà, bò, trứng, cá, các loại rau củ như rau ngót, rau cải, rau dền, các loại củ quả như khoai tây, khoai lang, bí ngô…
Nguyên tắc 2: Thời gian ăn phù hợp
Thời gian ăn dặm của bé nên được xây dựng theo 1 chuẩn chung và áp dụng thống nhất đúng giờ hàng ngày. Việc cho bé sinh hoạt, ăn uống đúng bữa, đúng giờ giúp cho hệ tiêu hóa của bé hoạt động ổn định hơn, hấp thụ dinh dưỡng tốt hơn.
Mẹ có thể tham khảo thời gian ăn của bé:
– 6h sáng: bú mẹ hoặc sữa công thức
– 9h sáng: ăn cháo hoặc bột
– 10h sáng: ăn trái cây
– 11h trưa: bú mẹ hoặc sữa công thức
– 14h chiều: ăn cháo hoặc bột ăn dặm
– 16h chiều: uống nước trái cây
– 18h tối: ăn cháo hoặc bột ăn dặm
– Sau 19h bé bú sữa mẹ hoặc sữa công thức theo nhu cầu.
Nguyên tắc 3: Chế biến
– Bé 7 tháng ăn cháo nấu tỷ lệ 1: 7 tức là 10g gạo tương đương 70g nước.
– Khi cho bé ăn món mới nên cho ăn ít, ăn cách 2 – 3 ngày 1 bữa. Sau đó mới cho ăn thường xuyên.
– Bé 7 tháng vẫn chưa nên nêm nếm gia vị khi nấu, bé có thể ăn được cháo lợn cợn (không quá mịn như khi 6 tháng nhưng cũng không rắn quá vì dễ bị hóc).
Như vậy, bé 7 tháng tuổi có thể ăn được cháo từ 100 – 200ml/ bữa và có thể ăn 3 bữa/ ngày với nguyên tắc dinh dưỡng kết hợp đầy đủ tinh bột, thịt cá và rau củ.
Gợi ý các món ăn dặm cho bé 7 tháng đủ chất
Gợi ý các món ăn dặm cho bé 7 tháng tuổi đơn giản, đủ chất mẹ có thể tham khảo:
1. Cháo cá hồi cho bé
Chuẩn bị nguyên liệu:
– 10g lá rau ngót
– 20g cá hồi phi le e
– 30g gạo tẻ
– 250ml nước lọc
– Dầu ăn cho bé
Cách nấu cháo cá hồi rau ngót
Bước 1: Cá hồi rửa sạch với nước muối loãng. Sau đó cho vào nồi luộc chín. Sau đó vớt cá ra tán nhuyễn.
Bước 2: Rau ngót rửa sạch rồi cho vào nồi cùng 1 xí nước luộc chín. Rau chín cho cả rau, cả nước vào máy xay xay nhuyễn.
Bước 3: Gạo vo sạch rồi cho vào nồi, thêm 250ml nước nấu thành cháo chín nhừ (tỷ lệ 1: 7)
Bước 4: Cháo chín nhừ cho cá hồi tán nhuyễn vào nấu cùng thêm vài phút cho cháo và cá chín nhừ. Tiếp đến cho rau ngót xay nhuyễn vào nấu cùng, khuấy đều tay nấu thêm 2 – 3 phút nữa là được. Tắt bếp và đổ cháo ra bát.
Khi cháo cá hồi nguội bớt, cho thêm xíu dầu ăn cho bé và cho bé ăn khi còn ấm nóng.
2. Cháo thịt heo cho bé
Chuẩn bị:
– 20g gạo tẻ
– 50g bí đỏ
– 50g thịt heo băm
– Dầu ăn cho bé
Cách nấu cháo thịt heo cho bé
Bước 1: Gạo vo sạch rồi cho vào nồi nấu thành cháo chín nhừ.
Bước 2: Bí đỏ gọt vỏ, thái miếng nhỏ rồi hấp chín. Sau đó tán nhuyễn.
Bước 3: Khi cháo chín nhừ thì cho thịt heo băm nhuyễn vào nấu cùng. Nấu cho đến khi thịt heo chín nhừ thì cho tiếp bí đỏ vào nấu cùng. Nấu cháo thịt heo bí đỏ chín nhừ hoàn toàn là được.
Khi cho bé ăn cho thêm xíu dầu ăn cho bé, trộn đều. Cho bé ăn cháo khi còn ấm nóng.
3. Cháo tôm cho bé
Chuẩn bị:
– 2 thìa bột gạo
– 20g tôm tươi
– 20g rau cải ngọt
– Dầu ăn cho bé
Cách nấu cháo tôm rau cải ngọt cho bé
Bước 1: Tôm lột vỏ, bỏ đầu, bỏ chỉ lưng rồi rửa sạch. Sau đó hấp chín rồi xay nhuyễn.
Bước 2: Rau cải ngọt nhặt lấy phần lá, rửa sạch rồi cho vào máy xay cùng xíu nước xay nhuyễn.
Bước 3: Hòa 2 thìa bột gạo với 200ml nước, khuấy đều rồi bắc lên bếp nấu, khuấy đều tay cho cháo không bị vón cục. Đến khi cháo sệt lại thì cho tôm và rau vào, khuấy đều tay nấu thêm vài phút cho rau chín thì tắt bếp.
Múc cháo ra bát, chờ nguội bớt rồi thêm xíu dầu ăn cho bé, khuấy đều và cho bé ăn khi còn ấm nóng.
4. Cháo yến mạch cho bé 7 tháng
Chuẩn bị:
– 100g bí đỏ
– 30g yến mạch nguyên cán
– 70ml kem tươi
– 50ml nước lọc
– 1 lát bơ lạt
– Dầu ăn cho bé
Cách nấu cháo yến mạch cho bé 7 tháng
Bước 1: Bí đỏ gọt vỏ, rửa sạch rồi thái miếng nhỏ. Cho vào hấp chín mềm. Tán nhuyễn mịn.
Bước 2: Cho yến mạch vào ngâm với nước lọc 10 – 15 phút.
Bước 3: CHo yến mạch vào nồi, thêm vào 100ml nước rồi đun với lửa to, khi nước sôi thì hạ lửa nhỏ. Nấu cháo khoảng 2 phút thì cho bí đỏ, bơ lạt vào nồi khuấy đều, nấu thêm 2 phút nữa.
Bước 4: Cho 70ml kem tươi vào nồi cháo yến mạch, khuấy đều tay rồi múc ra bát ngay.
Chờ cho cháo nguội bớt, cho thêm xíu dầu ăn cho bé vào, khuấy đều rồi cho bé ăn khi còn ấm nóng.
5. Cháo lươn cho bé 7 tháng
Chuẩn bị:
– 40g thịt lươn đồng đã sơ chế
– 10g rau chùm ngây
– 30g gạo tẻ
– Dầu ăn cho bé
Cách nấu cháo lươn rau chùm ngây cho bé
Bước 1: Gạo vo sạch rồi cho vào nồi nấu thành cháo chín nhừ.
Bước 2: Rau chùm ngây nhặt, rửa sạch rồi cho vào máy xay, thêm xíu nước xay nhuyễn mịn.
Bước 3: Lươn rửa sạch rồi cho vào nồi luộc (thêm xíu gừng khi luộc). Lươn chín vớt ra lọc lấy thịt.
Bước 4: Bắc chảo lên bếp, thêm xíu dầu rồi cho thịt lươn vào xào săn lại.
Bước 5: Cháo chín thì cho lươn và rau chùm ngây vào nấu thêm vài phút là rau chín. Tắt bếp và múc ra bát.
6. Cháo trứng cho bé 7 tháng
Chuẩn bị:
– 1 quả trứng gà
– 1 củ khoai lang nhỏ
– 1 nắm gạo tẻ + 1 nắm gạo nếp
– 1 ly sữa nhỏ
– Dầu ăn cho bé
Cách nấu cháo trứng gà khoai lang cho bé
Bước 1: Gạo nếp và gạo tẻ vo sạch rồi cho vào nồi nấu thành cháo chín nhừ.
Bước 2: Khoai lang gọt vỏ, rửa sạch rồi hấp chín, tán nhuyễn.
Bước 3: Trộn khoai lang tán nhuyễn với sữa tươi sau đó cho vào nồi cháo chín nhừ khuấy đều tay.
Bước 4: Trứng gà tách lấy lòng đỏ, đánh tan lòng đỏ.
Bước 5: Cháo khoai lang sền sệt lại thì đổ từ từ lòng đỏ trứng gà vào, vừa đổ vừa khuấy cho tan đều. Nấu thêm 3 – 5 phút cho trứng chín là được.
Khi cháo gần nguội thì cho thêm xíu dầu ăn cho bé, khuấy đều và cho bé ăn khi còn ấm nóng.
7. Cháo cá lóc cho bé 7 tháng
Chuẩn bị:
– 1 nắm đậu xanh
– 1 nắm gạo
– 100g cá lóc phi lê
– Hành khô, hành lá, rau mùi, gừng băm nhỏ
– Dầu ăn cho bé
Cách nấu cháo cá lóc đậu xanh cho bé
Bước 1: Ngâm đậu xanh và gạo khoảng 15 phút cho mềm. Sau đó vo sạch.
Bước 2: Cá lóc rửa sạch, lọc lấy thịt rồi thái thành miếng mỏng. Ướp cá với xíu gừng cho thơm. Phần xương cá cho vào xay nhuyễn rồi lọc lấy nước.
Bước 3: Cho nước lọc từ xương cá vào nồi cùng gạo và đậu xanh nấu thành cháo chín nhừ.
Bước 4: Bắc chảo lên bếp, thêm xíu dầu ăn và cho hành khô băm vào phi thơm, cho thịt cá vào xào cho cá chín.
Bước 5: Khi cháo đậu xanh đã chín nhừ thì cho thịt cá lóc đã xào chín vào, khuấy đều tay thêm vài phút. Cuối cùng cho chút hành lá và rau mùi vào cho thơm là có thể cho bé ăn.
Ngoài những cách nấu cháo cho bé 7 tháng ăn dặm trên, các mẹ có thể thay thế nguyên liệu bằng các loại thịt như thịt bò, thịt gà, thịt ếch, các loại rau, củ đa dạng cho bữa ăn của bé thêm nhiều dinh dưỡng.