Phải làm gì khi bé không chịu bú mẹ
1. Những câu chuyện cười ra nước mắt khi bé bỏ bú
Mẹ Hương kể lại hai khoảng thời gian đầy căng thẳng khi Bin bỏ bú mẹ. Lần đầu tiên, lúc Bin được ba tháng tuổi, bé bị cảm lạnh và đờm dồn lên mũi. “Bin bú mẹ một lần lúc 6 giờ sáng rồi thôi, không chịu tiếp nữa. Em phải vắt sữa ra ngoài để sữa không bị tắc. Mãi đến chiều, sau nhiều giờ nằm trên giường, ngủ có, Bin khóc có, em ôm Bin da tiếp xúc trực tiếp với da, kiên trì cho bé bú qua chiếc ống thuốc nhỏ mắt, thì cuối cùng Bin đã bú lại. Bin bú mẹ lần nữa lúc 3 giờ chiều. Chỉ có 9 giờ không chịu bú mà em cảm thấy như đó là một ngày rất dài và mỏi mệt.”
Lần thứ hai, khi Bin được mười tháng tuổi, cả nhà đang có kỳ nghỉ hè ở biển rất vui. Bin bú mẹ bình thường trước khi đi ngủ, nhưng khi con thức dậy vào lúc nửa đêm, con đột nhiên bỏ bú. Bố Nguyên dỗ Bin ngủ tiếp, con cứ khó chịu ngọ nguậy không ngủ lại được và cũng chẳng chịu bú mẹ nữa. Mẹ Hương phải vắt sữa và để dự trữ trong tủ đông. Thật may có cô dọn phòng khách sạn tình cờ biết được và mách có thể anh chàng đang mọc răng. Mẹ Hương cho vài viên đá nhỏ đông lạnh từ sữa mẹ, Bin háo hức nhai và mê mẩn luôn món này. Cuối ngày hôm đó, Bin ngoan ngoãn bú mẹ lại bình thường.
2. Làm gì khi bé không chịu bú mẹ?
Mẹ Hương không phải là trường hợp duy nhất gặp phải tình huống khó khăn này. Các chuyên gia nhi khoa đã tư vấn 10 cách hay mà rất nhiều bà mẹ đã áp dụng thành công khi bé không chịu bú
1. Kiểm tra xem bé có đang gặp vấn đề về sức khoẻ hay không. Chúng tôi từng gặp một trường hợp bỏ bú, khi thăm khám phát hiện có một mảnh giấy nhỏ bị mắc kẹt ở bên trong miệng bé. Nhiều trường hợp khác bị nhiễm trùng tai, nhiễm trùng bàng quang (gây ra đau đớn khi tiểu tiện và trẻ nhỏ rất thường xuyên đi tiểu), nghẹt mũi hay đau răng
2. Bé có thể dị ứng hoặc khó chịu với mùi nước hoa, sữa dưỡng thể, lăn khử mùi,… Nếu mẹ đang sử dụng nước hoa hoặc mỹ phẩm thì hãy thử ngưng dùng tất cả trong một hoặc hai ngày để có thể xác định đây có đúng là nguyên nhân bé bỏ bú hay không.
3. Tốt nhất hoặc càng nhiều càng tốt, tránh đưa bé ti ngậm hay bình sữa để thay thế trong suốt thời gian “đình công” bỏ bú này. Bú là nhu cầu bản năng của trẻ, và chúng ta đều muốn bé bú mẹ vì đó là điều tự nhiên nhất và tốt nhất. Dĩ nhiên không thể để bé mất nước, nhưng nếu con OK, đừng cố ép con bú theo lịch trình thông thường. Cơn đói và khát tự nhiên sẽ giúp bé quay về tìm ti mẹ.
Trong khoảng thời gian bỏ bú này, mẹ cần vắt sữa để cơ thể vẫn tiếp tục sản sinh ra sữa mới và giúp ngăn ngừa sự tắt nghẽn hay nhiễm trùng.
4. Luôn luôn kiên nhẫn! Cố gắng ép bé có thể khiến câu chuyện tệ hơn. Chúng ta đều muốn con cảm thấy thoải mái và thư giãn khi bú mẹ, vì vậy hãy dành nhiều thời gian để âu yếm con, cho con cảm thấy không bị áp lực trong giờ ăn
Hãy cho con cảm thấy thoải mái và thư giãn khi bú mẹ
5. Thông thường, thời gian tốt nhất để giúp bé bú mẹ trở lại là lúc bé đang buồn ngủ, lúc ngủ hoặc vừa mới thức dậy. Kiên nhẫn và nhẹ nhàng tiếp cận – nếu bé có tỉnh dậy và phản đối, đừng ép buộc bé.
6. Mẹ hãy cùng tắm chung với con. Trong nước ấm thư giãn, với ti mẹ sẵn có, con có thể bắt đầu bú lại. Hoặc đi ra ngoài – đôi khi ánh nắng mặt trời và không khí trong lành có thể giúp con cảm thấy thoải mái giảm bớt những bực bội khó chịu.
7. Chuyển động cũng có nhiều tác dụng. Vì vậy mẹ có thể thử đặt bé vào địu và cho bé bú khi đang đi trong phòng, hoặc nằm võng đong đưa, hay ngồi trên một chiếu ghế bập bênh nhẹ nhàng.
8. Gợi cho con nhớ về những ngày đầu bú mẹ bằng cách ôm con trực tiếp da sát da, trong phòng tối và yên tĩnh. Điều này có thể có tác dụng khuyến khích con bú trở lại
Ôm con trực tiếp da sát da khuyến khích con bú trở lại
9. Âm nhạc cũng là một liệu pháp rất tốt, xoa dịu tinh thần của cả mẹ và bé. Mẹ hãy thử mở những bài nhạc nhẹ nhàng để mẹ có thể hát cùng, hoặc chính mẹ hát ru để khuyến khích bé bú. Con đã quen thuộc với giọng nói của mẹ khi còn ở trong bụng, và cảm giác thân thuộc thoải mái tràn về này sẽ giúp ích rất nhiều.
10. Nguyên nhân bé bỏ bú có thể đơn giản là do chế độ ăn của mẹ chứa nhiều chất nồng làm thay đổi mùi vị sữa, chẳng hạn như quá nhiều gia vị như tỏi, ớt. Mẹ thử ngưng sử dụng các loại gia vị này xem có phải nguyên nhân bé bỏ bú từ sự thay đổi mùi vị của sữa mẹ không nhé.
Ngoài ra còn có các nguyên nhân khác khiến bé không bú mẹ là do cách cho bú mẹ không đúng hay có thể do trẻ khó chịu trong người, do trẻ bệnh, còi xương… Cần xác định rõ nguyên nhân để có hướng xử trí thích hợp. Trong nhiều trường hợp, mẹ cần đưa bé đi khám bệnh để bác sĩ nhi có thể tìm hiểu, chẩn đoán rõ nguyên nhân bỏ bú và đưa ra lời khuyên đúng đắn mẹ nhé.
3. Dinh dưỡng tăng cường cho mẹ
Mẹ luôn cần chế độ dinh dưỡng đặc biệt trong thời gian cho con bú vì nhu cầu tăng cao cho cả mẹ và con, đặc biệt ngay cả trong giai đoạn con không chịu bú mẹ. Nếu chế độ dinh dưỡng của con đã được đảm bảo trước đó thì giai đoạn bỏ bú sẽ lướt qua nhanh và không để lại nhiều vấn đề sau đó. Ngược lại, con rất dễ thiếu dinh dưỡng, ảnh hưởng đến quá trình phát triển thể chất và tâm lý rất nhanh sau khi sinh.
Để giúp mẹ cung cấp đủ dưỡng chất cho cơ thể và tăng cường chất lượng sữa cho con, ngoài thực hiện chế độ ăn uống đầy đủ và đa dạng các nguồn thực phẩm thì mẹ có thể bổ sung thêm thuốc bổ mỗi ngày. Các dưỡng chất mẹ cần lưu ý cung cấp đủ như: DHA/EPA, sắt, acid folic, canxi, iod, Vitamin A, D…
Hầu hết các cuộc “đình công” bỏ bú được giải quyết trong vòng đến hai ngày, mặc dù một số ít trường hợp có thể kéo dài hơn. Nếu những cách kể trên không hiệu quả đối với con, mẹ nên hỏi ý kiến bác sĩ nhi khoa để được can thiệp kịp thời cho trường hợp của con. Bên cạnh đó, chế độ dinh dưỡng đầy đủ cho mẹ và con luôn là yếu tố nền tảng giúp con nhanh chóng vượt qua khủng hoảng bỏ bú và phát triển vững chắc về sau.