Trẻ sơ sinh ho có đờm
Trẻ sơ sinh bị ho có đờm nghĩa là khi cơn ho xuất hiện, cổ họng trẻ sẽ tiết ra chất nhầy có màu vàng nhạt hoặc trắng đục. Chất nhầy này có thể được đẩy ra ngoài nếu người lớn thực hiện vỗ rung đờm cho con hoặc khi con thở, ho sẽ nghe tiếng sòng sọc của đờm.
Thông thường thì tình trạng này xảy ra khi trẻ bị viêm nhiễm đường hô hấp. Có thể kể đến một số bệnh lý nhiễm trùng đường hô hấp như: Viêm họng, viêm đường hô hấp trên, cảm cúm, viêm phế quản, viêm phổi, viêm tiểu phế quản,…
Hãy bế đứng hoặc đặt ngồi khi trẻ sơ sinh bị ho có đờm trẻ sẽ thấy dễ chịu hơn.
Hầu hết phụ huynh đều cảm thấy lo lắng khi con bị ho có đờm vì kèm theo đó là con ăn hay bị nôn trớ, khó chịu. Nhưng thực ra, ho là một phản xạ bình thường của cơ thể nhằm đẩy những vật vướng mắc ở cổ họng ra ngoài; hay khi đường thở có sự xuất hiện của virus, vi khuẩn có hại thì cổ họng cũng xảy ra phản xạ ho. Điều quan trọng cần giúp con lúc này là làm sạch, thông thoáng đường hô hấp của con những cơn ho ấy sẽ chấm dứt.
Nguyên nhân trẻ sơ sinh bị ho có đờm
Có rất nhiều nguyên nhân khiến trẻ sơ sinh bị ho có đờm, dưới đây là một số nguyên nhân phổ biến:
- Trẻ ho có đờm do mắc bệnh lý đường hô hấp: Bị nhiễm lạnh, cảm cúm, viêm họng hay viêm phế quản, viêm phổi…
- Trẻ bị mắc các bệnh lây qua đường hô hấp như: Sởi, thủy đậu, quai bị, ho gà,…
- Thời tiết thay đổi cũng khiến bé ho có đờm: Các cơn ho sẽ xuất hiện vào những ngày giao mùa, nhất là lúc thời tiết đột ngột chuyển từ nóng sang lạnh, hoặc chuyển từ lạnh sang nóng. Đây là thời điểm cho virus dễ dàng xâm nhập vào phổi và phế quản. Khi đó cổ họng sẽ có cảm giác rát, ngứa gây ra tình trạng ho khan, hoặc ho có đờm.
- Do cách mẹ cho con ăn uống: Một số trẻ có đường hô hấp rất nhạy cảm, trẻ chỉ cần ăn hay uống nhiều đồ lạnh là cổ họng bị viêm, sưng đỏ dẫn đến ho đờm.
Trẻ mắc sởi cũng có các biểu hiện ho có đờm nên cha mẹ không được chủ quan.
Đờm ở họng ảnh hưởng đến sức khỏe trẻ như thế nào?
Nếu trẻ chỉ ho khan thông thường, tiếng ho rất nhẹ và cũng không bị khó chịu nhiều. Còn trường hợp trẻ sơ sinh có đờm thì tiếng ho nghe nặng hơn. Kèm theo đó, trẻ có thể bị nghẹt mũi, khó thở và trở nên lười bú, biếng ăn, ăn vào dễ bị nôn trớ. Tình trạng này kéo dài khiến trẻ sụt cân, mệt mỏi, thậm chí, nếu cha mẹ không biết cách làm sạch đờm, để đờm chảy xuống làm viêm đường hô hấp dưới rất nguy hiểm.
Trẻ sơ sinh vốn hệ miễn dịch còn rất non nớt, con lại không thể biết cách tự đẩy đờm ra ngoài. Do đó, khi thấy con có đờm ở họng, bên cạnh việc giúp trẻ làm sạch đờm, thông thoáng đường thở, cha mẹ cần theo dõi sát sao và nên cho trẻ đi thăm khám với bác sĩ nếu thấy trẻ biểu hiện khó thở, thở gấp, mệt mỏi, không chịu ăn.
Đờm ứ đọng nhiều ở cổ họng gây bít tắc khiến trẻ khó thở, ăn hay nôn trớ.
Dấu hiệu ho có đờm ở trẻ sơ sinh
Như đã nói ở phần trên, bé ho có đờm thì tiếng thở nghe nặng nề, đôi khi con ho mạnh có thể làm bắn ít đờm ra ngoài hoặc con bị ho liên tục gây nôn trớ, trong phần trớ có dịch nhầy. Một số trường hợp trẻ sơ sinh bị ho có đờm kèm theo tiếng thở khò khè nghe giống tiếng ngáy khi trẻ thở ra, nếu nặng có thể nghe được tiếng rít cả khi hít vào. Điều này được lý giải là do đường hô hấp bị phù nề thu hẹp lại, cộng thêm quá trình viêm nhiễm gây ứ đọng dịch nhầy (đờm).
Trẻ sơ sinh bị ho có đờm rất hay kèm theo nôn trớ sau ăn và khi ho.
Lưu ý, phụ huynh cần lắng nghe và phân biệt tiếng thở khò khè (dấu hiệu nguy hiểm) với tiếng thở do nghẹt mũi thông thường. Bởi trẻ sơ sinh khoảng 6 tháng trở xuống chủ yếu thở bằng mũi, khi mũi bị ngạt, bít tắc dẫn tới con thở khụt khịt và ho. Cha mẹ hãy nhỏ vào mũi con khoảng 2-3 giọt nước muối sinh lý để mũi trẻ thoáng hơn rồi nghe lại tiếng thở. Thêm một điều nữa là nếu trẻ thở khò khè thường có thêm biểu hiện thở gấp, thở rút lồng ngực.
Trẻ sơ sinh ho có đờm cảnh báo bệnh gì?
Một điều dễ hiểu là đờm nhớt chỉ xuất hiện khi đường hô hấp gặp vấn đề nào đó. Bởi vậy, nếu cha mẹ thấy con bị ho đờm kéo dài, đờm nhiều khiến trẻ khó chịu, ăn vào là nôn trớ có thể con đang bị viêm họng, viêm đường hô hấp trên. Trường hợp đờm nhày chuyển sang màu vàng, xanh kèm theo khó thở, sốt khả năng con đang bị viêm phế quản, viêm tiểu phế quản, thậm chí chứng viêm phổi nghiêm trọng. Triệu chứng khó thở, sốt cao dễ khiến con gặp nguy hiểm nên cha mẹ cần đưa con đến thăm khám ngay tại cơ sở y tế gần nhất.
Nếu thấy trẻ bị đờm đặc kèm tím tái, khó thở cần đưa trẻ tới gặp bác sĩ ngay.
Tình trạng trẻ bị ho, bị đờm tái đi tái lại cũng có thể bắt nguồn từ nguyên nhân cơ thể trẻ dị ứng với một số yếu tố môi trường bên ngoài: Bụi, lông động vật, phấn hoa,… Ngoài ra, cũng không ngoại trừ trường hợp trẻ bị trào ngược dạ dày với biểu hiện cụ thể hơn là khi nào ăn xong hoặc nằm xuống là bị ho nhiều, nôn trớ, ợ chua. Hoặc trẻ bị hen suyễn, hen phế quản với biểu hiện cụ thể hơn là trẻ bị ho dai dẳng, ho có đờm đặc, các cơn ho thường xuất hiện về đêm, ho kèm theo những tiếng rít nặng, thở gấp.
Cần làm gì khi bé sơ sinh ho có đờm?
Tất nhiên không phải trường hợp nào trẻ sơ sinh ho có đờm cũng là dấu hiệu của bệnh lý nguy hiểm. Thông thường đó là triệu chứng của viêm đường hô hấp trên, mẹ chú ý vệ sinh mũi họng hàng ngày, vỗ rung đờm, làm thông thoáng đường thở cho con. Vì trẻ có đờm, ho dễ bị nôn trớ khi ăn nên mẹ hãy chia nhỏ các bữa ăn, ăn các món mềm, dễ tiêu hóa. Trong khoảng vài ngày là trẻ sẽ dần khỏe mạnh, bình thường.
Trẻ sơ sinh bị ho đờm cần được theo dõi sát sao.
Ngược lại, trẻ ho có đờm kèm tiếng thở bất thường, ăn kém,… thì cha mẹ cần đưa trẻ đến bệnh viện thăm khám để được chẩn đoán và điều trị kịp thời. Bởi nếu đó là dấu hiệu của bệnh viêm phổi thì việc cha mẹ chậm trễ thậm chí khiến trẻ gặp nguy hiểm tính mạng. Bên cạnh đó, một vài trường hợp trẻ ho đờm, thở khò khè kéo dài trên 4 tuần cũng cần được thăm khám, chụp x-quang, nội soi hô hấp để chẩn đoán chính xác nguyên nhân.
Hướng dẫn chăm sóc trẻ sơ sinh ho có đờm
Hạ sốt nếu bé sốt
Đa số trẻ bị ho có đờm không sốt, nhưng cũng có trường hợp trẻ sốt nhẹ hoặc sốt cao. Điều quan trọng nhất lúc này là mẹ cần hạ sốt, bù nước cho trẻ bằng cách chườm ấm các vị trí trán, nách, bẹn; cho trẻ uống nhiều nước, ăn các món mềm, lỏng. Nếu con sốt cao trên 38,5 độ thì hãy cho con dùng thuốc hạ sốt theo đúng chỉ định từ bác sĩ.
Vệ sinh cho bé
Dùng nước muối sinh lý vệ sinh mũi làm thông thoáng đường thở giúp bé dễ chịu hơn.
- Vệ sinh đường thở cho trẻ: Đây là cách chữa ho đờm cho trẻ sơ sinh hiệu quả mà mẹ không nên bỏ qua. Mẹ vệ sinh đường thở cho trẻ bằng cách nhỏ nước muối sinh lý vào từng bên mũi giúp làm chất nhầy bên trong mũi loãng ra rồi dùng dụng cụ hút. Ngoài ra, nước muối cũng giúp giảm hiện tượng sưng đỏ đường hô hấp, con nhanh khỏi bệnh hơn. Khi trẻ giảm đờm thì các cơn ho theo đó cũng hết. Lưu ý, mẹ nên dùng dụng cụ hút mũi với chất liệu silicon mềm, đặt ở phía cạnh khóe mũi trẻ để tránh làm tổn thương niêm mạc mũi của bé.
- Dùng khăn giấy mềm hoặc khăn xô lau sạch mũi, đờm cho con thường xuyên. Điều này giúp con cảm thấy dễ chịu hơn.
- Vệ sinh sàn nhà, giường ngủ, đồ chơi, đồ dùng của bé sạch sẽ, tránh việc vi khuẩn virus còn bám trên bề mặt khiến bé bị tái lây nhiễm.
Vỗ long đờm cho bé
Cách vỗ rung đờm cho trẻ sơ sinh hay chữa đờm cho trẻ sơ sinh, trị ho có đờm cho bé là những từ khóa được các mẹ có con nhỏ sử dụng rất nhiều. Thực tế cho thấy, phương pháp vỗ long đờm cho trẻ sơ sinh đã được bác sĩ khuyên áp dụng và mang lại những hiệu quả thực sự nhanh chóng, giúp đẩy đờm từ dưới đường thở lên trên khoang miệng ra ngoài. Dưới đây là hướng dẫn cách vỗ đờm cho trẻ sơ sinh bằng tay, các phụ huynh có thể tham khảo:
Vỗ long đờm là phương pháp đòi hỏi kỹ thuật và sự cẩn trọng của cha mẹ khi thực hiện.
Lưu ý quan trọng là bàn tay mẹ chụm lại tạo khoảng không có khe hở nghe tiếng bộp bộp nhưng không làm đau bé. Khi mẹ vỗ sẽ thấy cảm giác lồng ngực bé rung lên theo nhịp.Tuyệt đối tránh vỗ vào khu vực dạ dày của bé gây tác động đến xương sống không tốt, khiến bé bị nôn trớ. Nếu mẹ thực sự không tự tin, hãy đưa bé tới cơ sở y tế để được bác sĩ thực hiện vỗ long đờm nhé.
Giữ ấm cơ thể cho bé
Một trong những nguyên nhân khiến trẻ bị ho có đờm là bị nhiễm lạnh. Do đó, cha mẹ nên chú ý giữ ấm cho con, nhất là trong mùa đông lạnh. Việc giữ ấm chân, cổ, ngực cũng giúp các triệu chứng ho, đờm của con sẽ nhanh chóng thuyên giảm hơn.
Bổ sung dinh dưỡng cho bé
Đây cũng là một bước quan trọng trong việc điều trị ho có đờm cho bé. Bởi khi có đề kháng tốt trẻ mới nhanh khỏi bệnh và hạn chế các triệu chứng nặng hơn. Cụ thể, mẹ nên cho trẻ bú càng nhiều càng tốt (với bé dưới 6 tháng); bé đã ăn dặm thì mẹ nấu các loại cháo loãng, thực phẩm mềm giúp con dễ tiêu hóa. Nên cho con ăn thành nhiều bữa, không để con ăn quá no dễ dẫn tới nôn trớ do vướng đờm hoặc các cơn ho.
Cho bé bú mẹ càng nhiều càng tốt giúp tăng cường đề kháng chống lại bệnh tật.
Ngoài các biện pháp trên, mẹ cũng lưu ý giữ cho không khí trong phòng con luôn thoáng mát, đủ độ ẩm, tránh xa khói thuốc lá. Đồng thời, mẹ nhớ cho trẻ đi tiêm chủng đầy đủ, nhất là các mũi tiêm liên quan đến bệnh lý đường hô hấp.
Khi nào cần cho trẻ sơ sinh bị ho có đờm đi khám bác sĩ?
Như đã nói ở trên, phần lớn các trường hợp trẻ sơ sinh bị ho có đờm có thể tự khỏi sau vài ngày nếu cha mẹ biết cách chăm sóc cho con. Nhưng các biểu hiện của bệnh viêm đường hô hấp trên (mức độ bình thường, nhẹ) và viêm đường hô hấp dưới (viêm phổi nguy hiểm) thường rất giống nhau và chỉ cần cha mẹ chủ quan rất dễ dẫn tới hậu quả nặng nề cho sức khỏe con trẻ.
Trẻ bị ho đờm kéo dài, ăn kém, cần được đưa đi thăm khám bác sĩ ngay.
Các trường hợp dưới đây, cha mẹ nhất định nên đưa con tới bệnh viện gần nhất để được thăm khám ngay:
– Trẻ sơ sinh dưới 6 tháng tuổi bị ho, có nhiều đờm và cha mẹ không biết cách hút mũi, vỗ long đờm cho bé.
– Bé bị ho đờm kéo dài không khỏi dù mẹ đã vệ sinh mũi thường xuyên.
– Trẻ ho nhiều, đặc biệt là ho về đêm, tiếng ho nặng kèm theo thở khò khè, thở gấp.
– Các trường hợp trẻ ho có đờm, sốt cao liên tục không hạ.
– Trẻ bị nhiều đờm, khó thở, tím tái, nôn trớ cần được cấp cứu ngay.
Cha mẹ không nên chủ quan bởi bất cứ dấu hiệu bất thường nào cũng có thể khiến trẻ gặp nguy hiểm, nhất là trong giai đoạn sơ sinh này. Để được tư vấn hoặc đặt lịch thăm khám với bác sĩ Nhi khoa giỏi đã từng có nhiều năm kinh nghiệm làm việc tại Bệnh viện Phương Đông, mẹ vui lòng đặt lịch khám hoặc đăng ký tư vẫn (miễn phí) để được hỗ trợ kịp thời.