1. Cách phát hiện vàng da ở trẻ sơ sinh?
Cần quan sát da trẻ hàng ngày, đặc biệt trong vòng hai tuần đầu sau sinh. Quan sát ở nơi có ánh sáng tự nhiên vì nếu nhìn dưới ánh sáng đèn thì tình trạng vàng da có thể nặng hơn hoặc nếu thiếu ánh sáng thì không thể phát hiện được vàng da. Mẹ hoặc người chăm sóc trẻ dùng tay ấn nhẹ lên da từ 2-5 giây, ở ngực, bụng, đùi, cẳng chân, bàn chân của trẻ, khi thả tay ra vùng da đó có màu vàng thì khả năng trẻ có vàng da. Vị trí vàng da thường sẽ xuất hiện từ mặt, đến trên rốn, đến đùi, đến cẳng chân (tay), đến bàn chân. Mức độ vàng da có thể từ nhẹ, vừa đến rõ đậm.
2. Vàng da sinh lý xảy ra ở thời điểm nào?
Thường xuất hiện sau ngày thứ 3.
Hết vàng da trong vòng 1 tuần đối với trẻ đủ tháng và 2 tuần đối với trẻ non tháng.
Mức độ vàng da nhẹ, chỉ vàng da vùng mặt, cổ, ngực và vùng bụng phía trên rốn.
Trẻ bú tốt, khỏe mạnh.
Vàng da đơn thuần, không kết hợp các triệu chứng bất thường khác như thiếu máu, gan lách to, bỏ bú, li bì,…
Xét nghiệm Bilirubin trong máu : trẻ đủ tháng < 12 mg/dl, trẻ non tháng < 15 mg/dl.
3. Khi nào cần nghĩ đến vàng da bệnh lý?
Vàng da xuất hiện trong 3 ngày đầu, đặc biệt trong vòng 24 giờ đầu sau sinh.
Vàng da kéo dài trên 14 ngày đối với trẻ đủ tháng và trên 21 ngày đối với trẻ sinh non.
Vàng da lan nhanh đến đùi hoặc cẳng chân, bàn chân trong những ngày đầu sau sinh.
Da màu vàng mạnh hơn (vàng xạm, không tươi hoặc vàng chanh), hoặc nếu kết mạc mắt xuất hiện màu vàng.
Vàng da kèm theo bỏ bú, bú kém hoặc nôn trớ.
Trẻ ngủ khó đánh thức, bứt rứt hoặc kích thích, gồng cứng hoặc co giật (bệnh rất nặng).
Xét nghiệm nồng độ Bilirubin trong máu tăng cao hơn mức độ sinh lý Bilirubin gián tiếp > 12 mg/dl (trẻ đủ tháng) và > 15 mg/dl (trẻ non tháng).
4. Hậu quả nếu vàng da sơ sinh không được phát hiện và chữa trị kịp thời
Vàng da là một triệu chứng thường gặp ở trẻ sơ sinh do nhiều nguyên nhân gây nên. Hầu hết các trường hợp trẻ vàng da sinh lý có hàm lượng bilirubin trong máu thấp nên không nguy hại và không cần điều trị. Cần chú ý theo dõi xử trí kịp thời các trường hợp vàng da nặng để tránh nguy cơ tổn thương não ảnh hưởng đến sự phát triển tinh thần, vận động của trẻ.
5. Một số biến chứng nặng
Bệnh não cấp do tăng bilirubin:
+ Giai đoạn sớm: trẻ vàng da nhiều, ngủ gà, giảm trương lực cơ, bú kém.
+ Giai đoạn trung gian: trẻ lừ đừ, dễ bị kích thích và tăng trương lực cơ, có thể sốt, khóc the thé hay lơ mơ và giảm trương lực cơ, tăng trương lực cơ biểu hiện bằng ưỡn cổ và thân. Thay máu trong giai đoạn này trong một số trường hợp có thể cải thiện được các biểu hiện thần kinh.
+ Giai đoạn nặng : hệ thần kinh bị tổn thương và không hồi phục được, biểu hiện bằng tư thế ưỡn cổ – ưỡn người, khóc the thé, không bú được, có cơn ngưng thở, hôn mê, một số trường hợp co giật và tử vong.
Bệnh não mạn do tăng bilirunin (vàng da nhân): trẻ có biểu hiện của bại não thể múa vờn, rối loạn thính lực, loạn sản răng, mắt nhìn trần, hiếm gặp thiểu năng trí tuệ và các tàn tật khác.
6. Các phương pháp điều trị vàng da
– Chiếu đèn:
Chiếu đèn là phương thức điều trị được sử dụng rộng rãi, an toàn và hiệu quả nhất để làm giảm nồng độ Bilirubin gián tiếp trong máu và phòng ngừa bệnh não cấp do tăng Bilirubin ở trẻ sơ sinh trong giai đoạn đầu sau sinh. Mục đích của chiếu đèn là để chuyển bilirubin tự do thành bilirubin tan trong nước và thải ra ngoài qua đường niệu và đường mật xuống phân.
– Thay máu:
Được chỉ định khi vàng da nặng đến lòng bàn tay, bàn chân (< 1 tuần) + bắt đầu có biểu hiện thần kinh, hoặc mức Bilirubin máu tăng cao > 20 mg% + bắt đầu có biểu hiện thần kinh ( li bì, bú kém).
7. Theo dõi chăm sóc tại nhà
– Bú mẹ tích cực
– Không nằm buồng tối liên tục, quan sát màu da trẻ dưới ánh sáng mặt trời mỗi ngày.
– Tắm nắng buổi sáng: Ánh sáng mặt trời chỉ có thể giúp trẻ bị vàng da nhẹ mau hết hơn nhưng không thể điều trị kịp các trường hợp vàng da sơ sinh nặng. Đối với các trẻ mới vàng da nhẹ thì có thể tắm nắng ấm mỗi sáng, nhưng nếu trẻ đã vàng da nhiều thì cần phải nhanh chóng đưa trẻ đi khám bác sĩ chuyên khoa để được tư vấn và điều trị kịp thời.
– Theo dõi tiến triển màu của da và phát hiện sớm các dấu hiệu bệnh nặng để thời đưa trẻ đến cơ sở y tế.
BS. Lê Trương Tuyết Minh
Khoa Nhi – Bệnh viện TWQĐ 108