Trẻ phát triển bình thường và khỏe mạnh, khi đủ tháng chu vi vòng đầu thường là khoảng 33 – 37 cm khi sinh. Trẻ nam sẽ thường có chu vi vòng đầu lớn hơn 0,5 cm so với nữ. “Chu vi vòng đầu thai nhi” là thông số sinh trắc học quan trọng để biết thai nhi khỏe mạnh hay không.
Tuy nhiên chỉ số này là gì? Cách tính chu vi vòng đầu thai nhi như thế nào? Chỉ số này quá to hay nhỏ hơn bình thường thì trẻ có sao không? Để biết thêm thông tin về những vấn đề này, bạn đọc hãy cùng nhà thuốc Long Châu tìm hiểu thêm ở bài viết dưới đây nhé!
Chu vi vòng đầu thai nhi là gì?
Chu vi vòng đầu thai nhi, thường ký hiệu là HC (Head Circumference), đây là một phép đo sinh trắc học, được sử dụng như một chỉ số tiêu chuẩn để đánh giá kích thước đầu của trẻ có thuộc giới hạn bình thường so với tuổi thai hay không.
HC là một phần không thể thiểu trong các mô hình siêu âm. Thông qua HC bác sĩ có thể theo dõi tình trạng phát triển của trẻ qua từng tuần thai và qua đó để phát hiện những dấu hiệu bất thường mà thai nhi có thể gặp phải. Bên cạnh đó, dựa vào chỉ số HC bác sĩ sẽ tư vấn phương thức chuyển dạ cho mẹ bầu nên sinh thường hay sinh mổ.
Thể tích não và chu vi vòng đầu có tương quan chặt chẽ với nhau. Sự gia tăng đáng kể về thể tích não của thai nhi thường ở giai đoạn 3 tháng cuối thai kỳ và 2 năm đầu sau khi sinh. Do vậy, chu vi vòng đầu của trẻ được xem là thước đo đại diện cho sự phát triển của não bộ, tính từ khi trẻ còn trong bụng mẹ đến khi được sinh ra.
Sự thay đổi về kích thước của HC trong giai đoạn phản ánh gián tiếp sự phát triển não của trẻ khi ở trong bụng mẹ, nó cũng có ý nghĩa tiên lượng liên quan đến sự phát triển sau này của bé.
Xác định chu vi vòng đầu thai nhi cũng đóng vai trò quan trọng trong một số việc nhất định như:
- Tính tuổi thai.
- Ước tính cân nặng của trẻ.
- Chuẩn đoán sự phát triển bất thường về não bộ của trẻ.
- Đánh giá mức phát triển nhất định của trẻ.
- Phát hiện các yếu tố nguy cơ của sản phụ.
Chỉ số chu vi vòng đầu thai nhi theo từng tuần thai
Theo từng tuần thai, chỉ số chu vi vòng đầu thai nhi sẽ có kích thước khác nhau. Bác sĩ sẽ dựa theo những chỉ số HC của các tuần thai nhất định và đưa ra kết quả kiểm tra về mức độ phát triển bình thường của bé.
- Tuần thai thứ nhất – tuần thứ 4: Thai nhi mới bắt đầu phát triển, vẫn đang là một phôi thai rất nhỏ và chưa thành hình.
- Tuần thai thứ 4 – thứ 7: Trong giai đoạn này, chỉ số thai nhi cần lưu ý thường bao gồm chiều dài đầu mông và đường kính túi thai. Ở tuần thai thứ sáu, đường kính túi thai phát triển và dài khoảng 14 – 25mm. Kết quả siêu âm ở tuần thứ bảy sẽ cho thấy chiều dài đầu mông của thai nhi.
- Tuần thai thứ 12 đến khi sinh: Thời điểm này, chu vi vòng đầu thai nhi, đường kính lưỡng đỉnh và chiều dài xương đùi của trẻ được xác định cụ thể.
Nói chung, những chỉ số của thai nhi thường khác nhau ở mỗi trẻ, ví dụ như thai nhi có vòng đầu lớn hơn hoặc nhỏ hơn hay xương đùi ngắn hơn hoặc dài hơn… Những đặc điểm khác nhau này thường do ảnh hưởng ít nhiều từ việc di truyền của bố mẹ. Nếu những chỉ số đó, đặc biệt là chỉ số HC ở mức cho phép thì nó cho thấy trẻ không có dấu hiệu bất thường.
Cách tính chu vi vòng đầu thai nhi
Xác định chu vi vòng đầu thường thông qua các phép đo siêu âm thai. Chỉ số siêu âm có vai trò quan trọng giúp cho việc chẩn đoán tình trạng thai nhi.
Các phép đo siêu âm thai cho phép đo lường và xác định chỉ số thai nhi, bao gồm:
- Chu vi vòng đầu (HC).
- Chu vi vòng bụng(AC).
- Chiều dài đầu mông (CRL – Crown-Rump Length).
- Chiều dài xương đùi (HL).
- Đường kính xương chẩm (OFD).
- Đường kính lưỡng đỉnh (BPD).
- Khối lượng thai ước đoán (EFW).
Hình ảnh siêu âm giúp ích trong việc chẩn đoán sức khỏe thai nhi. Qua đó phát hiện những nguy cơ tiềm ẩn của mẹ và thai nhi. Thông thường, chu vi vòng đầu sẽ được chẩn đoán qua siêu âm bắt đầu từ tuần thứ 12 trở đi. Trọng lượng thai cũng được ước lượng qua các phép tính toán những chỉ số này.
Theo từng tuần thai, chu vi vòng đầu thai nhi có sự thay đổi. Ở những bé có cùng tuổi thai cũng sẽ có sự khác biệt về chỉ số này. Bác sĩ thường xác định chỉ số HC theo bảng được nghiên cứu trước đó, từ đó chẩn đoán tỷ lệ phát triển cũng như mức độ nguy cơ mắc dị tật ở trẻ.
Chu vi vòng đầu nhỏ hơn bình thường có sao không?
Chỉ số HC cho biết tình trạng sức khỏe của bé. Một điều quan trọng là nó giúp phát hiện dị tật bẩm sinh. Nếu chu vi vòng đầu thai nhi nhỏ hơn mức bình thường thì đây là một vấn đề đáng lo ngại bởi trẻ lúc này có nguy cơ mắc “tật đầu nhỏ”.
Tình trạng đầu nhỏ hơn mức bình thường xảy ra khi não không phát triển với mức độ bình thường, kết quả khiến hộp sọ của trẻ không mở rộng theo kích thước thông thường. Khi vấn đề này xảy ra dễ khiến trẻ có nguy cơ mắc các chứng rối loạn nhận thức và rối loạn thần kinh thậm chí trẻ cũng sẽ bị chậm phát triển và đôi khi bị co giật.
Chu vi vòng đầu thai nhi nhỏ hơn mức bình thường do một số nguyên nhân sau:
- Não thất duy nhất.
- Bệnh nhăn não.
- Bệnh nhiễm trùng (cytomegalovirus, rubella, toxoplasmosis hoặc virus zika…).
- Nhiễm sắc thể bất thường (mất đoạn hoặc tam nhiễm).
- Khiếm khuyết gene.
- Thai phụ sử dụng một số loại thuốc gây ảnh hưởng đến thai nhi như hydantoin hoặc aminopterin.
- Mẹ bầu tiếp xúc với liều lượng bức xạ cao hoặc trong thời gian quá mức cho phép.
- Sản phụ bị bệnh phenylketon niệu (PKU).
Thai nhi có chu vi vòng đầu to có sao không?
HC lớn hơn mức bình thường là do rối loạn hoặc di truyền. Các nghiên cứu cho thấy chu vi vòng đầu thai nhi to thường do tính chất di truyền hoặc lành tính, không phải lúc nào cũng liên quan đến rối loạn. Nguyên nhân thường gặp nhất của tình trạng này là:
- Não úng thủy (sự tích tụ dịch não tủy gây lên tình trạng giãn các não thất).
- U xơ thần kinh.
- Não phì đại.
- Xơ cứng củ.
Trẻ mắc tật đầu to có thể ảnh hưởng đến trí tuệ và thể chất, nặng hơn là mắc dị tật bẩm sinh. Tuy nhiên trong số 50% trẻ mắc tật đầu to, thần kinh thường phát triển bình thường.
Trong trường hợp chu vi vòng đầu của trẻ to, thai phụ sẽ được bác sĩ cân nhắc đến việc mổ đẻ nếu khung xương chậu nhỏ.
Khi chỉ số HC bất thường nên làm gì?
Chứng đầu nhỏ hay tật đầu to được xác định khi chỉ số HC có sự chênh lệch 2 hay 3 đơn vị so với chỉ số bình thường hoặc thậm chí có trường hợp lệch nhiều hơn. Trường hợp phát hiện chu vi vòng đầu của trẻ có dấu hiệu bất thường, bao gồm vấn đề tật đầu to hay chứng đầu nhỏ, các bác sĩ sẽ phải tiến hành kiểm tra chuyên sâu, xem xét kỹ lưỡng để tìm ra nguyên nhân của tình trạng này.
Siêu âm
Siêu âm là biện pháp nhanh chóng và an toàn đối với mẹ và bé, giúp bác sĩ trong việc theo dõi định kỳ thai nhi cũng như theo dõi những bất thường của HC trong quá trình điều trị. Không chỉ giúp cha mẹ phát hiện sớm những bất thường ở em bé, siêu âm định kỳ còn giúp bác sĩ chẩn đoán và đưa ra hướng xử trí kịp thời.
Thời gian quan sát và kiểm tra dị tật của thai rơi vào tuần thứ 11 đến tuần thứ 13. Đây chính là thời điểm giúp bác sĩ kiểm tra sự phát triển và dị tật có thể xảy ra, từ đó tư vấn cha mẹ làm các xét nghiệm chuyên sâu hơn để chẩn đoán xác định dị tật thai.
Chụp MRI
Thông qua hình ảnh MRI sẽ phản ánh chi tiết tình trạng cơ thể người mẹ đang mang thai, giúp phát hiện nhanh chóng những bất thường trong cấu trúc não và các cơ quan khác của thai nhi. Chụp MRI ít được thực hiện hơn so với siêu âm nhưng lại mang tới kết quả chẩn đoán vô cùng giá trị và đáng tin cậy. Thông qua đó đánh giá tình trạng sức khỏe của bé và tìm phương hướng điều trị phù hợp.
Chọc ối
Khi những phương pháp trên đều đã thực hiện mà vẫn chưa tìm ra được căn nguyên của vấn đề, bác sĩ sẽ đưa ra chỉ định cuối cùng là chọc ối. Thủ thuật này khá nguy hiểm, có thể khiến thai phụ gặp tình trạng sinh non nên nó chỉ được thực hiện khi không còn phương pháp khác. Tuy nhiên phương pháp này có tỷ lệ khá lớn đối với việc giúp phát hiện nguyên nhân HC bất thường của thai nhi.
Phương pháp này được thực hiện bằng cách dùng mũi kim lấy nước ối dưới hướng dẫn của siêu âm. Mẫu dịch sẽ được mang đi kiểm tra nhanh và xác định rõ nguyên nhân gây tật đầu to hay chứng đầu nhỏ là do thai nhi bị nhiễm trùng hay do nhiễm sắc thể bất thường.
Chu vi vòng đầu thai nhi có liên quan chặt chẽ đến tình trạng phát triển của trẻ có bình thường hay có nguy cơ mắc dị tật. Do đó sản phụ cần khám thai đúng định kỳ theo sự chỉ dẫn của bác sĩ nhằm dễ dàng phát hiện dấu hiệu bất thường của thai nhi, từ đó tìm ra nguyên nhân và giải pháp điều trị phù hợp.
Trên đây là những thông tin liên quan đến “Chu vi vòng đầu thai nhi” bạn đọc có thể tham khảo thêm. Chúc bạn đọc có một sức khỏe tốt và đừng quên theo dõi trang web của Nhà thuốc Long Châu để biết thêm nhiều thông tin về sức khỏe nhé!
Ánh Vũ
Nguồn tham khảo: Tổng hợp