Khi nào nên cho trẻ ăn cơm nát? | Gia Đình Nestlé

Chọn thời điểm thích hợp cho trẻ ăn cơm là điều bạn cần nên lưu ý. Trẻ ăn cơm quá sớm hoặc quá trễ sẽ gây ảnh hưởng không tốt đến việc tập nhai và phát triển xương hàm, chưa kể sau này bé dễ sinh biếng ăn hoặc suy dinh dưỡng. Ngoài ra, bổ sung dinh dưỡng cần thiết cho trẻ trong quá trình ăn cơm cũng là vấn đề quan trọng cần ghi nhớ.

Khi nào trẻ ăn được cơm nát?

Thời điểm thích hợp nhất để trẻ bắt đầu tập ăn cơm là khi mọc đủ răng hàm. Trước đó, răng sữa của trẻ chưa hoàn thiện, chỉ thích hợp cắn xé thức ăn, chưa thể nghiền nát thức ăn. Ăn cơm quá sớm vào thời điểm này sẽ làm bé nuốt trọng, từ đó không tiêu hóa được lượng tinh bột trong cơm, gây hại cho cơ thể.

Vì vậy, thời điểm thích hợp để bé bắt đầu tập ăn cơm là vào khoảng 2 tuổi. Bạn cần lưu ý cơm nên được nấu thật mềm, tuyệt đối không cho trẻ ăn chung cơm với người lớn. Bạn có thể cho thêm nước sôi vào cơm của người lớn, nấu nhừ hơn cho trẻ; hoặc lúc nấu cơm, bạn đặt vào giữa nồi một chén inox đổ nhiều nước hơn để nấu cơm nát cho bé cùng lúc, giúp tiết kiệm thời gian.

Dinh dưỡng trong bữa ăn của trẻ

Thời điểm trẻ ăn được cơm nát cũng là lúc thích hợp bổ sung thêm các dưỡng chất thiết yếu khác cho cơ thể. Từ 12 tháng tuổi đến 3 tuổi, não của trẻ phát triển rất nhanh, gần như tăng trưởng gấp 3 lần so với kích thước lúc vừa sinh. Ngoài ra, các tế bào chức năng của cơ thể cũng dần hình thành và phát triển, do đó đây là giai đoạn bổ sung dưỡng chất quan trọng nhất.

Trung bình trẻ cần 1200-1800 kcal mỗi ngày, chia đều trong các bữa ăn. Mỗi bữa ăn của trẻ nên được đảm bảo đầy đủ 4 nhóm chất dinh dưỡng sau:

  • Đường bột (Carbohydrate): 1g carbohydrate sẽ cung cấp 4 kcal năng lượng. Chức năng quan trọng nhất của đường bột là cung cấp năng lượng chính cho cơ thể. Ngoài ra, chất này còn tham gia vào việc cấu tạo tế bào và mô, hình thành và phát triển tế bào não và giúp điều hòa các hoạt động cơ thể. Chất đường bột được tìm thấy nhiều trong các loại ngũ cốc, gạo, mì, bánh mì, rau củ… Nếu trẻ không chịu ăn cơm, bạn đừng nên lo lắng, hãy thay thế bằng các loại thực phẩm làm từ ngũ cốc nguyên cám như mì, nui. Ngoài ra, một khẩu phần bánh ngũ cốc ăn sáng KOKO KRUNCH (30gr với 125ml sữa) sẽ cung cấp cho trẻ 198 kcal năng lượng cần thiết trong ngày, mà vẫn bổ sung nhiều dưỡng chất như carbohydrate, canxi, vitamin C, natri…
  • Đạm: 1g chất đạm cung cấp 4 kcal năng lượng. Đạm là nguyên liệu xây dựng tế bào cơ thể, hình thành và phát triển cơ, xương, răng cứng cáp. Đây còn là nguyên liệu chính tạo nên dịch tiêu hóa, các men, hormone giúp điều hòa hoạt động cơ thể, tạo ra kháng thể phòng chống bệnh tật. Nguồn bổ sung đạm đến từ thịt, cá, trứng, sữa và các chế phầm từ sữa, tôm, cua, đậu…
  • Béo: 1g chất béo cung cấp 9 kcal năng lượng. Chất béo đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc hình thành và phát triển tế bào não và hệ thần kinh của trẻ. Chất béo còn giúp cơ thể dự trữ năng lượng dưới dạng mô mỡ và tăng cường hấp thu vitamin tan trong dầu mỡ như vitamin A, D, E, K. Ngoài ra, cùng một khối lượng tiêu thụ nhưng chất béo sẽ cung cấp năng lượng cho cơ thể nhiều hơn. Cấu trúc phân tử của chất béo cũng khó phân giải hơn, gây cảm giác no lâu, do đó, ăn nhiều chất béo có thể giúp duy trì cân nặng mong muốn. Bạn hãy tận dụng nguồn chất béo tốt từ cá (đặc biệt là mỡ cá), dầu và bơ thực vật… cho trẻ. Tuy nhiên, do tính dễ gây dị ứng của cá biển, bạn nên dùng cá sông, như cá lóc (cá quả), chế biến bữa ăn cho trẻ. Bạn lưu ý chọn loại cá ít xương, thịt mềm, hoặc cá nhỏ rán nhai vụn được xương để bổ sung thêm canxi cho trẻ.
  • Vitamin và khoáng chất: nhóm thực phẩm này không cung cấp năng lượng cho cơ thể, nhưng đóng vai trò rất quan trọng trong hoạt động tổng hợp dinh dưỡng và chuyển hóa năng lượng cho cơ thể. Thiếu nhóm chất này sẽ gây cho cơ thể tình trạng kém phát triển và vận hành khó khăn, tựa như xe thiếu nhớt.

Đặc biệt, trẻ ở những giai đoạn đầu đời cần nhiều chất béo, carbohydrate và protein để phát triển não bộ. Do đó, bạn cần cung cấp đầy đủ cho trẻ, ngay cả chất béo không tốt từ mỡ động vật, nhưng lưu ý liều lượng ít hơn so với các loại chất béo tốt.

Tùy theo thể trạng và đặc thù giới tính khác nhau mà thời gian mọc răng sữa và nhu cầu dinh dưỡng của bé sẽ khác nhau. Bạn hãy lưu ý chọn thời điểm thích hợp cho trẻ bắt đầu ăn cơm. Ngoài ra, một chế độ ăn uống tốt, đầy đủ tất cả các chất dinh dưỡng thiết yếu sẽ giúp cơ thể và não bộ bé yêu của bạn phát triển toàn diện qua giai đoạn này.

Nguồn: Gia Đình Nestlé tổng hợp

Ảnh: Tiny Pic