Có thể nhiều người đã được nghe củ đậu chứa nhiều chất xơ và khoáng chất cần thiết, mang lại những lợi ích cho cơ thể như hỗ trợ giảm cân, tăng cường sức khỏe tim mạch và cải thiện chức năng hệ miễn dịch. Nhưng cụ thể củ đậu là gì mà có những tác dụng như vậy?
Củ đậu là gì?
Củ đậu là loại cây thân leo có nguồn gốc từ Trung Mỹ, ở Việt Nam còn được gọi với tên khác là sắn dây, sắn nước… Chúng cũng rất phổ biến ở châu Mỹ, Trung Quốc, Đông Nam Á…
Củ đậu có hoa màu tím, cây có thể cao tới 4 – 5m, phần rễ phát triển hình thành củ có vỏ mỏng màu vàng nhạt, ruột màu trắng kem, ăn vào thấy có vị ngọt nhẹ, có thể ăn sống hoặc dùng chế biến nhiều món ăn khác nhau.
Ngược với phần củ thơm ngon, bổ dưỡng, lá và hạt của củ đậu có độc tính cao, thường được dùng làm nguyên liệu sản xuất thuốc trừ sâu, rệp… Vì vậy, người dùng cần hết sức cẩn thận. Khi mua củ đậu với số lượng nhiều, cả chùm, cần cắt bỏ lá ngay để tránh gây ngộ độc chết người cho trẻ hoặc những ai không biết mà ăn phải.
Thành phần của củ đậu gồm:
- Tinh bột: 2,4%.
- Glucose: 4,51%.
- Nước: 86 – 90%.
- Protein: 1,46%.
- Các chất dinh dưỡng khác: Sắt, Canxi, Phốt pho, Vitamin C, đặc biệt củ đậu không chứa chất béo.
Để chọn được củ đậu ngon, bạn nên chú ý đến các đặc điểm như vỏ màu trắng ngà, nhẵn, phần cuống còn xanh tươi, cuống càng nhỏ thì càng mọng nước và ít xơ. Bảo quản củ đậu tương đối dễ, chỉ cần bảo quản nơi khô ráo có thể để được 7 – 10 ngày. Nếu bạn muốn ăn đậu ngon hơn, hãy đợi một hoặc hai ngày sau khi mua và chúng ngọt nhất khi phần vỏ hơi héo.
8 lợi ích của củ đậu không phải ai cũng biết
Hỗ trợ giảm cân
Củ đậu rất giàu chất xơ và tinh bột, giúp cân bằng lượng đường trong máu. Kiểm soát lượng đường trong máu là một trong những cách giảm cân hiệu quả. Đồng thời, bổ sung củ đậu vào chế độ ăn uống giúp tăng lượng chất xơ vào cơ thể, giúp bạn cảm thấy no lâu hơn.
Chính vì lý do đó, củ đậu là loại thực phẩm vô cùng được ưa chuộng trong các thực đơn giảm cân.
Tăng cường sức khỏe tim mạch
Giống như nhiều loại rau khác, củ đậu rất giàu chất dinh dưỡng tốt cho tim, bao gồm nước và các phân tử carbohydrate khác nhau. Mặt khác, củ đậu còn chứa Oligofructose inulin, liên quan trực tiếp đến việc giảm mức cholesterol và tăng cường sức khỏe tim mạch.
Ngoài ra, củ đậu còn chứa vitamin C (một chất chống viêm, chống lại các gốc tự do) và kali (giúp kiểm soát huyết áp), có thể hỗ trợ điều trị và ngăn ngừa các bệnh tim mạch.
Cải thiện chức năng hệ miễn dịch
Thành phần chất xơ độc đáo của củ đậu có khả năng thúc đẩy sự phát triển của vi khuẩn có lợi trong đường ruột để giữ cho hệ tiêu hóa hoạt động tốt. Ngoài ra, fructan trong củ đậu có thể ngăn ngừa đột biến tế bào và sự phát triển của khối u trong hệ tiêu hóa.
Hỗ trợ hệ tiêu hóa
Củ đậu là loại thực phẩm rất dễ tiêu hóa vì chứa nhiều nước và chất xơ. Củ đậu cũng có thể làm dịu chứng táo bón và điều trị tiêu chảy hiệu quả. Ngoài ra, trong củ đậu cũng rất giàu các chất chống viêm, giúp giảm đau một cách tự nhiên các cơn đau liên quan đến loét và rối loạn tiêu hóa.
Giàu vitamin C
Ăn củ đậu mỗi ngày là cách bổ sung vitamin C đơn giản cho cơ thể. Vitamin C được coi là một chất chống oxy hóa lành mạnh, giúp loại bỏ tác hại của các gốc tự do và kiểm soát tình trạng viêm, giúp chống lại bệnh ung thư, ngăn ngừa bệnh tim mạch và chứng suy giảm nhận thức cũng có thể ngăn ngừa
Tốt cho xương
Oligofructose inulin trong củ đậu giúp xương chắc khỏe. Đó là nhờ khả năng tích trữ khoáng chất, giảm tỷ lệ bào mòn và tăng khả năng hấp thụ canxi vào xương.
Củi đậu cũng cung cấp các chất dinh dưỡng quan trọng như kali, maggie và mangan. Những chất này rất tốt cho việc chống loãng xương ở người cao tuổi.
Công dụng làm đẹp
Củ đậu rất giàu vitamin C giúp cơ thể sản sinh collagen khiến làn da trở nên mịn màng, trắng sáng. Hàm lượng nước và khoáng chất nhiều giúp dưỡng ẩm cho da, ngăn ngừa và đào thải độc tố ra ngoài. Vì vậy, ngoài việc ăn củ đậu, chị em có thể thái thành lát mỏng đắp lên da cũng rất hiệu quả. Tác dụng của củ đậu trong việc làm đẹp được nhiều chị em tin tưởng.
Tốt cho sức khỏe bà bầu
Ngoài chứa nhiều nước, củ đậu còn chứa nhiều tinh bột và đường glucose nên rất thích hợp cho bà bầu, đặc biệt là những mẹ bầu trong giai đoạn ốm nghén. Ngoài ra, vị giòn ngọt của củ đậu làm cho chị em cảm thấy ngon miệng. Do củ đậu chứa nhiều chất xơ giúp thúc đẩy quá trình tiêu hóa nên còn có tác dụng nhuận tràng, ngăn ngừa hiệu quả chứng táo bón và bệnh trĩ ở bà bầu.
Tuy nhiên, củ đậu có tính thanh mát nên không nên ăn quá nhiều khi mang thai ba tháng đầu vì sẽ ảnh hưởng không tốt đến thai nhi.
Những ảnh hưởng khi ăn củ đậu không đúng cách
Không ăn củ đậu thay cơm để giảm cân
Mặc dù củ đậu rất giàu chất xơ và vitamin nhưng chúng không cung cấp đầy đủ tất cả các chất dinh dưỡng mà cơ thể bạn cần hàng ngày. Do đó, hãy dừng ngay ý định chỉ ăn củ đậu để giảm cân. Nếu không, cơ thể bạn sẽ ngày càng uể oải, mệt mỏi, sức khỏe để học tập và làm việc cũng không được đảm bảo.
Ăn quá nhiều củ đậu gây hại cho dạ dày
Hàm lượng nước trong củ đậu khá cao. Do đó, ăn một lượng lớn đến mức no căng sẽ khiến dạ dày căng phồng, giãn rộng và tiết ra nhiều dịch dạ dày hơn, làm tăng cảm giác thèm ăn. Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng ăn củ đậu không tốt cho người bị đau dạ dày và việc tiêu thụ củ đậu có thể khiến cơ thể suy yếu hơn nếu ăn củ đậu thay cho bữa cơm hàng ngày.
Không ăn hạt và lá của củ đậu
Trên thực tế, lá và hạt của củ đậu có thể được dùng làm thuốc bôi ngoài da để điều trị ghẻ, nhưng bạn tuyệt đối không được ăn chúng. Lá và hạt củ đậu chứa tephrosin và rotenone. Cả hai chất này khi ăn vào đều có thể gây ngộ độc, đau bụng, co giật, rối loạn nhịp tim, tụt huyết áp, suy hô hấp.
Khi bị ngộ độc do ăn nhầm lá hoặc hạt, các triệu chứng ngộ độc sẽ xuất hiện sau 5 – 40 phút, tiến triển nhanh sau khoảng 2 – 5 giờ, nguy hiểm đến tính mạng nếu người bệnh không được cấp cứu kịp thời.
Trên đây là những thông tin về củ đậu là gì và có những tác dụng gì? Tóm lại, củ đậu nhiều chất xơ, vitamin C và các chất chống viêm, chống các gốc tự do, sẽ là lựa chọn tốt cho bệnh nhân tiểu đường và những người đang ăn kiêng. Hy vọng những thông tin dinh dưỡng của củ đậu sẽ hữu ích để giúp bạn hiểu được tác dụng và có chế độ dinh dưỡng phù hợp với bản thân khi dùng củ đậu.
Ánh Vũ
Nguồn tham khảo: Tổng hợp