Sinh thường bao lâu thì quan hệ được, cần lưu ý điều gì? – Hello Bacsi

Ngoài các vấn đề về tâm lý và việc chăm con, nhiều phụ nữ chia sẻ rằng họ cảm thấy tự ti về “cô bé” sau sinh thường và điều này ít nhiều làm ảnh hưởng đến cảm xúc khi “yêu”.

Cụ thể, sau sinh thường, mẹ có thể đối mặt với các vấn đề như:

  • Khô âm đạo
  • Âm đạo lỏng lẻo, không còn đàn hồi
  • Đau khi quan hệ, thậm chí chảy máu
  • Mệt mỏi
  • Giảm ham muốn…

“Thủ phạm” chính của những vấn đề này thường là do sự thay đổi của nội tiết tố. Trong những ngày đầu sau sinh, nồng độ estrogen sẽ giảm xuống mức trước khi mang thai. Nếu cho con bú, nồng độ estrogen có thể giảm xuống thấp hơn.

Estrogen có tác dụng cung cấp chất bôi trơn tự nhiên cho âm đạo, do đó, lượng hormone này thấp sẽ làm tăng khả năng bị khô âm đạo, từ đó dẫn đến chảy máu khi quan hệ.

Quan hệ sau sinh bị ra máu có sao không?

Dù cảm thấy cơ thể gần như đã hồi phục và sẵn sàng cho việc “yêu” thì bạn vẫn có thể bị đau, chảy máu trong lần đầu tiên quan hệ sau sinh thường. Nếu máu chỉ chảy một lượng nhỏ và bạn chỉ thấy hơi khó chịu thì điều này hoàn toàn bình thường và sẽ sớm biến mất.

Nguyên nhân của tình trạng này có thể là do âm đạo khô, nhạy cảm nên dễ bị tổn thương nếu thao tác mạnh hoặc cũng có thể là sản dịch hay máu của kỳ kinh nguyệt được co bóp và đẩy ra ngoài.

Tuy nhiên, nếu bạn bị chảy máu nhiều, tình trạng chảy máu kéo dài hoặc bị chảy máu vùng kín đi kèm với các triệu chứng như đau bụng dưới, sốt… thì tốt nhất nên đi khám. Bởi đây có thể là dấu hiệu cảnh báo các bệnh lý viêm nhiễm phụ khoa.

Lưu ý khi quan hệ sau sinh thường

sinh thường bao lâu thì quan hệ được

Để quan hệ tình dục đạt khoái cảm và an toàn thì khi quan hệ sau sinh thường, bạn cần lưu ý những điều sau:

  • Đi khám toàn diện trước khi có ý định quan hệ để đảm bảo rằng cơ quan sinh dục đã hồi phục hoàn toàn, các vết khâu đã lành.
  • Lần đầu tiên quan hệ sau sinh có thể gặp nhiều khó khăn. Do đó, cả bạn và đối tác cần có sự chuẩn bị từng bước, chẳng hạn như thử các hoạt động thân mật để hâm nóng tình cảm trước khi bắt đầu cuộc yêu.
  • Thực hiện màn dạo đầu “chu đáo” để cô bé có thể sản xuất đủ chất bôi trơn. Tăng thời gian dạo đầu, thử thủ dâm lẫn nhau hoặc thực hiện các hoạt động khác trước khi thâm nhập.
  • Sử dụng chất bôi trơn. Bạn có thể cần một chút trợ giúp từ chất bôi trơn trước khi nội tiết tố cân bằng trở lại.
  • Tập các bài tập kegel sau sinh để phục hồi cơ sàn chậu, giúp giảm nguy cơ bị són tiểu sau sinh cũng như giúp âm đạo nhanh hồi phục và lấy lại cảm giác.
  • Dành nhiều thời gian để hâm nóng tình cảm. Dù sau sinh bạn có thể rất bận rộn với bé nhưng hãy cố gắng thu xếp để dành thời gian riêng tư cho cả 2 vợ chồng.
  • Nếu không cho bé bú thì khoảng 12 tuần sau sinh mẹ sẽ có kinh lại, còn nếu cho bé bú thì thời gian có thể lâu hơn, tầm khoảng 7 – 8 tháng. Thực tế là kể cả trước khi có kinh lại sau sinh hay khi đã có kinh lại, bạn hoàn toàn có thể mang thai. Do đó, nếu không muốn mang thai lần nữa thì khi quan hệ cần chú ý sử dụng các biện pháp tránh thai an toàn.

Có thể bạn quan tâm: Sinh mổ bao lâu thì quan hệ được? Tìm hiểu để có “cuộc yêu” an toàn