Sữa mẹ vắt ra để ngoài được bao lâu luôn là câu hỏi mà nhiều bà mẹ quan tâm. Sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng phù hợp và tốt nhất dành cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Trong sữa mẹ có chứa nhiều dinh dưỡng thiết yếu để trẻ phát triển toàn diện và xây dựng hàng rào miễn dịch tự nhiên.
Việc cho con bú trực tiếp luôn được ưu tiên. Tuy nhiên, vì nhiều lý do khác nhau mà mẹ phải vắt sữa và bảo quản sữa cho con bú dần. Sữa mẹ hút ra để được bao lâu? Sữa mẹ vắt ra bảo quản được bao lâu phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố. Để tìm được đáp án chính xác, hãy cùng lắng nghe những chia sẻ từ bác sĩ của Nutrihome về thời gian bảo quản sữa mẹ và các lưu ý để trữ sữa mẹ lâu hơn mà sữa vẫn thơm ngon và đầy đủ dưỡng chất cho bé yêu mẹ nhé.
Sữa mẹ vắt ra để ngoài được bao lâu?
Sữa mẹ vắt ra để được bao lâu là vấn đề được nhiều người mẹ quan tâm vì nhiều trường hợp mẹ không thể cho trẻ bú trực tiếp. Tuy nhiên việc lưu trữ và bảo quản sữa mẹ ở môi trường ngoài tiềm ẩn nhiều nguy cơ khiến sữa mẹ mất chất hoặc biến chất. Bởi sữa mẹ chứa nhiều loại dinh dưỡng như đạm, đường, axit amin, chất béo,… nên đây là môi trường lý tưởng để vi khuẩn sinh sôi. Nếu mẹ không may cho trẻ uống nhầm thì có thể ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe của trẻ. (1, 2)
Sữa mẹ để ngoài được bao lâu sau khi vắt phụ thuộc vào nhiều yếu tố như phương pháp bảo quản, lượng sữa, điều kiện môi trường, nhiệt độ,… Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ khuyến cáo, thời gian bảo quản sữa đảm bảo cụ thể như bảng sau:
Vị trí bảo quản và nhiệt độ Loại sữa mẹ Nhiệt độ phòng (<25°C) Tủ mát (<4°C) Tủ đông (<-18°C) Sữa mẹ mới vắt hoặc hút Lên đến 4 tiếng Lên đến 4 ngày Có thể bảo quản tối đa 12 tháng, tuy nhiên mẹ tốt nhất chỉ nên để sữa khoảng 6 tháng trong điều kiện tủ đông để bảo đảm chất lượng sữa. Sữa mẹ rã đông Từ 1 – 2 tiếng Lên đến 24 tiếng (1 ngày) Không được phép tái trữ đông sữa mẹ sau khi rã đông Sữa thừa (do trẻ không bú hết trong cữ bú) Sữa mẹ do trẻ bú thừa chỉ có thể để được thêm 2 tiếng kể từ khi trẻ dùng xong.
Sữa mẹ để nhiệt độ thường được bao lâu?
Thông thường sữa mẹ ở nhiệt độ phòng (khoảng từ 19°C đến 25°C) có thể bảo quản lên đến 8 tiếng. Tuy nhiên, bác sĩ nhấn mạnh sữa mẹ chỉ giữ được chất lượng tốt nhất trong vòng 4 tiếng. Nhiệt độ phòng càng thấp thì sữa bảo quản được càng lâu. Nếu nhiệt độ phòng cao, từ 25°C trở lên sữa mẹ chỉ có thể dùng tối đa trong vòng 1 tiếng. (3)
Sữa mẹ vắt ra để ngăn mát được bao lâu?
Sữa mẹ vắt ra để ngăn mát được bao lâu cùng là câu hỏi nhiều mẹ đặt ra khi cần bảo quản sữa cho trẻ. Sữa mẹ có thể bảo quản trong ngăn mát tối đa 4 ngày tùy vào nhiệt độ của tủ lạnh. Nếu tủ lạnh đã cũ và nhiệt độ bảo quản không ổn định, mẹ chỉ nên lưu trữ sữa từ 1 – 3 ngày.
Sữa mẹ để ngăn đá được bao lâu?
Đối với loại tủ lạnh cỡ nhỏ có một cửa tủ duy nhất dùng chung cho cả hai ngăn (ngăn mát và ngăn đông), sữa mẹ chỉ có thể bảo quản tối đa 3 tuần. Vì loại tủ lạnh này đóng mở thường xuyên, gây ảnh hưởng cho nhiệt độ của ngăn đá, từ đó làm giảm hiệu quả bảo quản sữa và làm chất lượng sữa biến đổi.
Nếu mẹ sử dụng loại tủ lạnh có hai ngăn phân chia riêng biệt, sữa mẹ có thể bảo quản lên đến 6 tháng. Đặc biệt với loại tủ đông chuyên dụng để đựng thực phẩm, thời hạn lưu trữ sữa mẹ tối đa từ 6 tháng – 12 tháng. Tuy nhiên, mẹ nên cố gắng sử dụng càng sớm càng tốt, do chất lượng sữa mẹ chỉ ở trạng thái tốt nhất trong vòng 6 tháng kể từ thời điểm lưu trữ.
Sữa mẹ sau khi rã đông để được bao lâu?
Sữa mẹ sau khi rã đông chỉ có thể sử dụng trong vòng 24 giờ. Nếu trẻ không thể dùng hết trong khoảng thời gian này, mẹ nên bỏ sữa này đi, không được phép tái trữ đông hoặc đổ vào sữa mới vắt. (4)
Cách nhận biết sữa mẹ bị hỏng
Bên cạnh việc hiểu rõ sữa mẹ vắt ra để ngoài được bao lâu, mẹ nên ghi nhớ những cách nhận biết sữa mẹ bị hỏng qua những biểu hiện sau:
Sữa mẹ có mùi hoặc vị lạ
Cách hiệu quả nhất để nhận biết sữa mẹ hỏng hay chưa là nếm thử. Sữa mẹ thường có vị nhạt, mùi hơi béo ngậy. Nếu mẹ ngửi và nếm thấy có sự khác lạ như mùi hôi, vị chua tanh,… thì khả năng cao sữa đã bị hỏng.
>> Xem thêm: Sữa mẹ có vị gì là bình thường? Các yếu tố ảnh hưởng đến mùi vị sữa mẹ
Sữa mẹ nổi váng
Sữa mẹ có hàm lượng chất béo cao nên sữa nổi váng hoàn toàn bình thường. Tuy nhiên, nếu sữa vẫn nổi váng trên bề mặt sau khi đã được hâm nóng, váng không hòa tan cùng sữa, nghĩa là sữa đã bị hỏng hoặc quá hạn. Ngược lại, nếu lớp váng hòa vào sữa sau khi lắc đều bình thì mẹ có thể cho trẻ dùng bình thường.
Sữa mẹ có mùi chua sau rã đông
Sữa mẹ nguyên chất có mùi thơm béo, không chua, màu trắng ngà. Nếu mẹ ngửi thấy mùi chua, tanh, không dễ chịu thì sữa mẹ có thể đã hỏng.
Trẻ từ chối bú hoặc có biểu hiện lạ khi bú sữa mẹ
Trẻ sơ sinh rất nhạy cảm với mùi vị của sữa mẹ. Nên khi trẻ từ chối bú, quấy khóc khi bú, thì sữa mẹ có thể đã bị hư hỏng, mùi và vị sữa có vấn đề. Mẹ nên kiểm tra lại chất lượng sữa nếu nhận thấy trẻ có biểu hiện trên.
Sữa quá hạn
Thời gian bảo quản sữa mẹ đảm bảo được chất lượng và mùi vị đã được bác sĩ trả lời qua câu hỏi “sữa mẹ để ngoài được bao lâu”. Nếu vượt quá thời hạn bảo quản ghi trên, sữa mẹ đã bị biến đổi về mùi vị và chất lượng. Để tránh cho trẻ dùng sữa quá hạn, mẹ nên ghi chú chi tiết ngày giờ vắt, hút trên túi hoặc bình đựng sữa.
Có nhiều nguyên nhân khiến sữa mẹ bị hỏng, trong đó cách bảo quản là một trong những yếu tố ảnh hưởng nhiều đến chất lượng sữa mẹ. Do đó, mẹ cần chắc chắn chú ý sữa mẹ hút ra để được bao lâu để bảo quản sữa ở chất lượng tốt nhất đồng thời ngăn ngừa việc để trẻ uống nhầm sữa có vấn đề về chất lượng.
Hướng dẫn vắt sữa mẹ và bảo quản đúng cách
Cách vắt sữa mẹ để lưu trữ
Để đảm bảo sữa mẹ giữ được chất lượng trong suốt thời gian bảo quản, mẹ cần thực hiện đúng thao tác ngay từ bước vắt sữa mẹ. Đầu tiên, mẹ cần rửa sạch tay, vệ sinh thiết bị, dụng cụ vắt sữa và dụng cụ đựng sữa trước khi bắt đầu hút sữa. Mẹ cần lau sạch cả vùng tiếp xúc với máy hút là núm vú, bầu ngực, sau đó tiến hành hút sữa. Sữa mẹ vừa được hút cần được dự trữ ngay trong tủ mát hoặc tủ đông.
Bác sĩ nhấn mạnh, cách vắt sữa mẹ cũng là một yếu tố ảnh hưởng đến việc sữa mẹ để ngoài được bao lâu sau khi hút. Vì vậy, mẹ phải lưu ý thao tác chuẩn và đảm bảo vệ sinh khi vắt hoặc hút sữa.
Cách vệ sinh dụng cụ hút sữa và đựng sữa
Dụng cụ hút sữa và đựng sữa là những dụng cụ tiếp xúc trực tiếp với sữa mẹ. Do đó, tất cả các loại dụng cụ này đều cần được vệ sinh, tiệt trùng kỹ càng trước khi sử dụng. Nếu mẹ vệ sinh không sạch có thể tạo cơ hội cho vi khuẩn có hại xâm nhập vào sữa mẹ, từ đó gây biến chất hoặc làm hỏng sữa mẹ.
Lưu ý khi bảo quản sữa mẹ trong tủ lạnh
Khi bảo quản sữa mẹ trong tủ lạnh, tủ đông, mẹ cần quan tâm đến một số lưu ý sau:
- Mẹ nên ghi rõ giờ và ngày tháng lên túi hoặc bình trữ sữa.
- Sắp xếp sữa theo thứ tự từ cũ đến mới, từ ngoài vào trong. Cách sắp xếp này giúp mẹ dễ lấy và lấy sữa đúng thứ tự.
- Nếu lượng túi sữa dư nhiều và không thể dùng hết trong vòng 4 ngày, mẹ nên chọn cách lưu trữ tủ đông ngay sau khi vắt.
- Không đặt sữa trên cánh cửa tủ ngăn mát hoặc ngăn đông do nhiệt độ ở vị trí này thường xuyên có thể thay đổi khi đóng mở cửa, từ đó ảnh hưởng xấu đến chất lượng sữa.
Hướng dẫn rã đông và sử dụng sữa mẹ đúng cách
Sử dụng sữa mẹ sau khi vắt
Mẹ có thể cho trẻ bú sữa mẹ ngay sau khi vắt, hoặc bảo quản lên đến 1 tiếng bằng máy hâm sữa, 4 tiếng ở nhiệt độ thường. Nếu mẹ không có ý định cho trẻ bú trong khoảng thời gian trên, sữa sau khi vắt nên được cất và bảo quản trong ngăn mát hoặc tủ đông.
Cách rã đông sữa mẹ
Đối với sữa mẹ lưu trữ ở ngăn mát, mẹ có thể áp dụng phương pháp rã đông bằng cách để sữa ở nhiệt độ phòng khoảng 30 phút sau đó ngâm vào nước ấm 40 độ C. Để rút ngắn quá trình này, mẹ nên ngâm sữa vào nước thường khoảng 5 phút (thay hai lần nước trong quá trình ngâm), sau đó ngâm tiếp trong nước ấm 40 độ khoảng 10 phút (thay nước khi nước giảm nhiệt độ).
Đối với sữa mẹ lưu trữ ở ngăn đá, mẹ cần phải rã đông bằng cách đặt sữa đông đá trong ngăn mát trước. Khi sữa đã tan đá, mẹ mới được cho sữa vào máy hâm sữa, nhiệt độ nước nên duy trì ở 40 độ C. Đây là nhiệt độ hâm tốt nhất, đảm bảo các dinh dưỡng trong sữa mẹ không bị mất đi.
Mẹ lưu ý khi rã đông sữa, không được phép hâm sữa bằng nước sôi hoặc lò vi sóng. Do nhiệt độ cao sẽ phá hủy dưỡng chất bên trong sữa, đồng thời dễ khiến trẻ bị bỏng khi bú sữa. Ngoài ra, mẹ lưu ý không lắc mạnh bình sữa sau hoặc thay đổi nhiệt độ đột ngột khi hâm sữa.
Sữa mẹ vắt ra để được bao lâu và những câu hỏi thường gặp
Bên cạnh vấn đề sữa mẹ vắt ra để được bao lâu, bác sĩ cũng nhấn mạnh một số vấn đề người mẹ thường gặp khi bảo quản sữa mẹ.
Nên sử dụng loại bình nào để đựng sữa mẹ đã vắt ra?
Trước khi vắt, lưu trữ sữa mẹ, mẹ luôn phải nhớ rửa sạch tay và dụng cụ chuẩn bị dùng để đựng sữa. Sữa sau khi vắt có thể bảo quản bằng hộp thủy tinh, bình thủy tinh có nắp đậy chặt hoặc bình nhựa không chứa hóa chất BPA. Bên cạnh đó, mẹ có thể tham khảo sử dụng một số loại túi nhựa đặc biệt được thiết kế chuyên dùng để đựng sữa mẹ.
Sữa mẹ vắt ra để ngoài được bao lâu khi hâm nóng?
Sữa mẹ hâm bao nhiêu độ và có cần hâm sau khi vắt không cũng là thắc mắc chung của nhiều người mẹ. Theo các chuyên gia, nhiệt độ thích hợp để ủ nóng, hâm sữa mẹ sau khi vắt là 40 độ C. Nhiệt độ này phù hợp cho bé sử dụng mà không gây bỏng miệng của trẻ, đồng thời không quá lạnh để niêm mạc ở hầu họng của trẻ được kích thích.
Dù sữa mẹ vắt ra ủ nóng có những ích lợi như ngăn ngừa nguy cơ sữa mẹ bị hỏng, thay thế tủ lạnh trong một số trường hợp,.. Tuy nhiên, bác sĩ không khuyến khích do ủ nóng sữa quá lâu cũng có thể gây biến chất hoặc mất chất của sữa mẹ. Mẹ có thể trực tiếp cho trẻ bú sau khi vắt mà không cần hâm, hoặc bảo quản bằng cách hâm nóng tối đa 1 tiếng. Nếu trẻ không sử dụng trong vòng 1 tiếng, mẹ nên cất và bảo quản sữa ngay bằng tủ lạnh.
Sữa mẹ giữ ấm 40 độ để được bao lâu?
Sữa mẹ vắt ra để ngoài được bao lâu nếu giữ ấm 40 độ C? Bác sĩ cho biết, dù luôn được ủ ấm ở nhiệt độ 40 độ C, mẹ chỉ nên sử dụng trong khoảng 1 tiếng. Sau đó, mẹ nên đem sữa vào tủ lạnh để bảo quản.
Nhiều trường hợp cho rằng sữa mẹ được ủ ở nhiệt độ lý tưởng có thể bảo quản ở môi trường ngoài lên đến 5 tiếng mà sữa vẫn không bị hỏng hay ôi thiu. Tuy nhiên, loại sữa này có thể gây hại cho sức khỏe của trẻ. Bởi sữa mẹ ở 40 độ C là môi trường lý tưởng cho vi khuẩn sinh sôi và phát triển. Trẻ uống loại sữa này có thể bị nhiễm khuẩn, rối loạn tiêu hóa, nôn trớ, tiêu chảy,…
Sữa mẹ trữ đông đổi màu có sao không?
Nhiều người mẹ sẽ gặp hiện tượng sữa mẹ có mùi lạ, hơi tanh, hăng và màu sữa hơi khác so với sữa mới vắt. Tuy nhiên, nếu mẹ thực hiện vắt và bảo quản đúng cách, mẹ không cần lo lắng về chất lượng sữa. Nguyên nhân chính dẫn đến hiện tượng trên là tác động của enzym lipase đã bẻ gãy chuỗi các chất béo trong sữa mẹ khi sữa ở môi trường nhiệt độ thấp.
Sữa mẹ uống rồi để được bao lâu?
Sữa mẹ mà trẻ đã uống rồi chỉ để được tối đa thêm 2 tiếng nữa kể từ thời điểm trẻ bú. Nếu sau 2 tiếng, trẻ vẫn chưa bú hết, mẹ nên bỏ lượng sữa này đi. Mẹ tuyệt đối không nên cho trẻ dùng tiếp hoặc tái bảo quản phần sữa dư này, vì sữa đã bị nhiễm khuẩn.
Có thể thêm sữa mẹ mới vắt vào sữa đã dự trữ không?
Về lý thuyết, mẹ có thể đổ sữa mẹ mới vắt vào sữa đã dự trữ nếu đảm bảo thực hiện đúng theo hướng dẫn sau:
- Vệ sinh sạch sẽ: Mẹ cần giữ tay sạch sẽ khi thực hiện để đảm bảo vi khuẩn không tấn công sữa mẹ.
- Trẻ sơ sinh khỏe mạnh đủ tháng: Mẹ chỉ nên cho trẻ uống sữa mới trộn sữa cũ khi trẻ đầy tháng, cơ thể khỏe mạnh, không gặp vấn đề về tiêu hóa, đường ruột.
- Sữa mẹ được vắt trong cùng ngày: Mẹ chỉ có thể kết hợp sữa mẹ mới và cũ nếu cả hai loại sữa này được vắt trong cùng một ngày.
- Nhiệt độ sữa: Trước khi trộn hai loại sữa mới và cũ vào làm một, mẹ cần đảm bảo nhiệt độ của hai loại sữa này bằng nhau. Mẹ ghi nhớ tuyệt đối không cho sữa lạnh vào sữa mới vắt còn ấm, vì sự chênh lệch về nhiệt độ có thể khiến sữa bị hỏng .Tốt nhất, mẹ chỉ nên áp dụng với sữa mới và sữa đang bảo quản ở nhiệt độ phòng.
Việc kết hợp sữa mẹ từ nhiều lần vắt mang đến nhiều sự thuận tiện cho mẹ, đặc biệt là trong trường hợp trẻ nhỏ có sức bú yếu. Để dự trữ sữa tốt hơn, bạn nên cho sữa chung vào một bình. Phương pháp này cũng giúp mẹ tiết kiệm được không gian đáng kể cho tủ lạnh hoặc tủ đông. Tuy nhiên, sữa mẹ có khả năng bị hỏng tương đối cao nếu mẹ thực hiện không đúng cách. Ngoài ra, sữa mới có nhiều dinh dưỡng hơn sữa đông lạnh nên mẹ tốt nhất nên ưu tiên cho trẻ uống loại sữa này. Khi trộn lẫn hai loại sữa mới và cũ với nhau thì tất cả lượng sữa đó được xem là sữa cũ. Vì vậy, mẹ nên cân nhắc kỹ lưỡng trước khi trộn lẫn các loại sữa.
Trên đây là toàn bộ giải đáp của bác sĩ về vấn đề sữa mẹ vắt ra để ngoài được bao lâu. Với những kiến thức được chia sẻ trên, chắc chắn bạn sẽ không phạm phải sai lầm khi lưu trữ bảo quản sữa mẹ cho trẻ, đồng thời mang đến cho trẻ nguồn sữa mẹ chất lượng đảm bảo nhất.