Dưỡng chất nào cần thiết cho trẻ 7 tháng tuổi?
Mẹ cần biết sự phát triển của trẻ 7 tháng tuổi luôn đầy ắp những tò mò và nhu cầu giao tiếp, khám phá thế giới xung quanh. Cân nặng trung bình của trẻ từ khoảng 7 – 8,3kg, chiều cao đạt khoảng 67 – 69 cm. Đây cũng là giai đoạn trẻ phát triển vượt trội cả về thể chất và trí tuệ. Bởi vậy, việc xây dựng chế độ dinh dưỡng khoa học cho con vô cùng cần thiết.
Bữa ăn dặm của trẻ cần đảm bảo đầy đủ cơ bản 4 nhóm chất: Tinh bột, đạm, chất xơ, chất béo.
Dưới đây là một số vi dưỡng chất quan trọng cho trẻ 7 tháng tuổi:
– Mỗi bữa ăn của trẻ cần đảm bảo đủ nhóm chất tinh bột (gạo, mì, miến, ngũ cốc), đạm (các loại thịt động vật, trứng, sữa), chất béo (mỡ động vật, dầu thực vật…), chất xơ (rau củ, trái cây).
– Kẽm: Giúp hệ miễn dịch khỏe mạnh hơn, làm lành các vết thương và thúc đẩy sự phát triển của tế bào. Kẽm có nhiều trong thịt bò, tôm, hạt vừng, bí ngô…
– Sắt: Nguồn sắt có sẵn ở thịt đỏ, các loại rau có lá màu xanh đậm và các loại hạt. Nó giúp nuôi dưỡng các tế bào máu và não bộ phát triển toàn diện.
– Vitamin D: Ngoài việc bổ sung vitamin D trong bữa ăn thông qua cá hồi, cá ngừ hay sữa bò, sữa chua mẹ cũng cần chú ý cho trẻ tắm nắng thường xuyên đúng cách để thuận lợi hấp thu canxi một cách nhanh chóng và hiệu quả.
– Canxi: Theo các chuyên gia, món ăn dặm cho bé 7 tháng tuổi nên tăng cường thực phẩm giàu canxi như: Trứng, rau xanh, các loại đậu, sữa. Bởi giai đoạn này, bé đang mọc răng, và hệ cơ xương cũng đang phát triển nhanh chóng.
– Vitamin C: Mẹ hãy bổ sung thực phẩm giàu vitamin C trong thực đơn ăn dặm cho trẻ 7 tháng để ngăn ngừa các vi khuẩn có hại, hạn chế các bệnh do vi rút gây ra. Cam, quýt, bưởi, dâu tây, dưa đỏ, đu đủ, kiwi, xoài… là những thực phẩm có nguồn vitamin C rất dồi dào.
Trẻ 7 tháng ăn được gì?
Khác hẳn với giai đoạn 5 – 6 tháng tuổi khi trẻ mới bắt đầu những bữa ăn dặm đầu tiên rất hào hứng thì sang 7 tháng tuổi, trẻ đã quen dần với hương vị của các loại thực phẩm. Để bé không bị chán ăn, đồng thời, kích thích vị giác giúp con luôn tìm thấy niềm vui và học hỏi được những kỹ năng mới qua mỗi bữa ăn thì thực đơn ăn dặm bé 7 tháng cần đa dạng. Mẹ có thể kết hợp các loại thực phẩm khác nhau thành một món ăn, tạo các hình dạng thức ăn khác nhau để con tập cầm nắm, tập nhai, thay vì chỉ cho con ăn các đồ xay nhuyễn, lỏng.
Trẻ 7 tháng tuổi đã có thể cầm nắm và tập nhai dù chưa mọc răng.
Vậy trẻ 7 tháng tuổi ăn được những gì? Hẳn đây là mối quan tâm của phần đông các phụ huynh đang nuôi con nhỏ, nhất là những người đầu tiên làm cha mẹ. Dưới đây là gợi ý một số thực phẩm, hay món ăn mà trẻ 7 tháng có thể ăn được.
Các loại củ hấp hoặc luộc mềm
Dù trẻ đã mọc răng hay chưa thì mẹ cần biết khi 7 tháng tuổi con rất thích thú với việc nhai bằng lợi. Lưu ý là mẹ nên cắt thành miếng dài, kích thước vừa tay cầm của con. Ngồi quan sát con suốt quá trình ăn và trang bị sẵn các kỹ năng sơ cứu khi trẻ bị hóc thức ăn,…
Các món cháo
Cháo từ gạo xay, ngũ cốc, yến mạch hay các loại hạt là nguồn bổ sung dinh dưỡng rất tốt cho trẻ. Nó cũng giúp trẻ dễ ăn, dễ tiêu hóa. Khi nấu cháo, mẹ có thể cho thêm rau củ thái nhỏ hoặc xay nhuyễn; trứng, thịt, cá,… sao cho hợp khẩu vị và làm tăng hương vị giúp bé ăn ngon miệng hơn.
Cháo là món phổ biến trong thực đơn khi trẻ 7 tháng tuổi ăn dặm.
Trứng gà
Phải nói rằng trứng gà là một loại thực phẩm tiện dụng, bổ sung nguồn đạm và chất béo thiết yếu cho trẻ. Từ trứng gà, mẹ có thể chế biến được rất nhiều món ăn hấp dẫn cho bé. Do lòng trắng dễ gây dị ứng nên tốt nhất giai đoạn này mẹ chỉ cho con ăn lòng đỏ. Thêm nữa, mẹ nên chế biến từng thực phẩm riêng biệt, theo dõi phản ứng của con rồi hãy kết hợp nấu các món cùng nhau nhé. Và điều cần chú ý là hệ tiêu hóa của bé vẫn đang trong quá trình hoàn thiện dễ bị kích ứng nên mẹ luôn nhớ làm chính trứng, không cho bé ăn dạng trứng chưa chín hoàn toàn nhé.
Rau xanh
Trẻ 7 tháng tuổi ăn được hầu hết các loại rau xanh như: Rau cải, rau ngót, rau chân vịt, rau dền, rau lang,… Các loại rau xanh chứa rất giàu chất xơ, vitamin, khoáng chất thiết yếu nên mẹ nhớ bổ sung hàng ngày cho con. Để giữ được nhiều dưỡng chất nhất trong rau mẹ nên hấp chín. Đặc biệt, mẹ nên làm nhuyễn, bỏ kèm trong cháo hoặc súp cho bé. Lượng rau vừa phải sẽ giúp bé dễ ăn, ngon miệng hơn.
Trẻ 7 tháng tuổi có thể ăn được hầu hết các loại rau và trái cây.
Một số loại thịt xay nhuyễn
Trẻ 7 tháng tuổi chưa ăn được nhiều loại thịt, để xem con có bị dị ứng với loại thịt hay không, mẹ nên cho con ăn với lượng ít và theo dõi con nhé. Một số loại thịt phù hợp để nấu cháo cho bé 7 tháng tuổi như thịt gà (phần ức), cá (cá chép, cá trắm, cá cơm), thịt nạc. Khi bé bước sang tháng thứ 8, thứ 9, mẹ hãy nên thử thêm các loại thịt bò, tôm, cua cho bé. Luôn tuân thủ thử cho bé ăn một chút rồi theo dõi phản ứng mới tiếp tục cho ăn trong các bữa sau hoặc kết hợp nấu cùng các thực phẩm khác.
Trái cây xay nhuyễn
Mẹ biết không, trái cây là nguồn vitamin, khoáng chất, chất xơ tự nhiên dồi dào cho trẻ ngay khi bước vào giai đoạn ăn dặm. Bé 7 tháng tuổi ăn được trái cây gì? Câu trả lời là bé ăn được hầu hết các loại trái cây như: Đu đủ, chuối, dưa hấu, bơ, táo, cam, quýt, lê, nho,… Với những trái cây này, mẹ có thể xay nhuyễn cho con ăn trực tiếp hoặc trộn cùng sữa chua, hoặc nấu cùng cháo để đổi vị cho con đều rất ngon.
Ngoài ra, mẹ cũng nên bổ sung bữa phụ cho trẻ bằng các món như sữa chua, phô mai, váng sữa,… Và đừng quên rằng trẻ 7 tháng tuổi vẫn trong giai đoạn ăn dặm đầu tiên nên mẹ đừng ép con ăn với lượng quá nhiều trong một bữa, đồng thời, sữa vẫn là nguồn dinh dưỡng chính cho con trong tháng này. Ngoài các bữa ăn dặm, hãy cho bé bú đủ khoảng 700 – 900 ml sữa/ngày. Vào buổi tối khi đã quá 19 giờ thì mẹ có thể cho con bú sữa để tránh tình trạng trẻ đói và bị tỉnh giấc vào đêm.
Một số thực phẩm dành cho trẻ 7 tháng tuổi ăn dặm.
Gợi ý thực đơn ăn dặm cho bé 7 tháng tuổi
Trẻ 7 tháng tuổi có thể ăn dặm từ 2 – 3 bữa/ngày gồm: Bữa sáng, bữa trưa (hoặc thêm bữa xế chiều) đan xen cùng bữa phụ. Lưu ý khi chế biến đồ ăn cho con, mẹ không nên cho gia vị vào thức ăn, tăng dần độ thô từ xay mịn sang dạng lợn cợn. Dưới đây là thực đơn ăn dặm cho trẻ 7 tháng theo từng tuần, mẹ tham khảo nhé.
Tuần đầu tiên của tháng thứ 7
– Buổi sáng bé vừa thức dậy (Khoảng 6 – 7 giờ): Cho bé bú mẹ hoặc bú sữa công thức.
– Giữa buổi sáng (Khoảng 9 giờ): Tiếp tục cho bé bú mẹ hoặc sữa công thức.
– Buổi trưa (Khoảng 11 giờ): Cho con ăn cháo/ cơm nát/ hoa quả, rau củ nghiền.
– Buổi giữa chiều (Khoảng 14 – 15 giờ khi bé đã ngủ dậy): Bú mẹ hoặc sữa công thức.
– Buổi tối (17 -18 giờ): Bé ăn súp/cháo.
– Trước khi bé đi ngủ (Sau 19 giờ): Bú mẹ hoặc sữa công thức.
Tuần thứ 2 – 3
– Sáng khi bé mới ngủ dậy: Mẹ cho con bú hoặc uống sữa công thức.
– Giữa buổi sáng: Bé vẫn bú mẹ hoặc sữa công thức.
– Buổi trưa: Ăn cháo/ cơm nghiền/ hoa quả nghiền.
– Buổi giữa chiều: Bú mẹ hoặc bú sữa công thức.
– Buổi tối: Mẹ có thể cho bé bú mẹ/ Bú sữa công thức/ Ăn cháo/ Hoa quả nghiền.
– Trước khi bé đi ngủ: Bú mẹ hoặc sữa công thức.
Tuần thứ 4
Lịch ăn dặm cho bé 7 tháng tuổi vào tuần thứ tư, mẹ có thể thay đổi, tăng số bữa ăn dặm lên, giảm số lần bú mẹ hoặc uống sữa công thức xuống.
– Bé ngủ dậy: Bú mẹ hoặc sữa công thức.
– Bữa sáng: Cho trẻ ăn cháo/cơm nát.
– Buổi giữa sáng: Cho bé bú mẹ/sữa công thức.
– Buổi trưa: Ăn cháo/ cơm nghiền/ hoa quả, rau củ nghiền.
– Buổi giữa chiều: Bú sữa mẹ hoặc sữa công thức.
– Buổi tối: Ăn cháo/ cơm nghiền nát/ hoa quả, rau củ nghiền.
– Trước khi bé đi ngủ: Bú mẹ hoặc sữa công thức.
Tùy vào việc mẹ cho bé ăn dặm theo phương pháp nào mà độ thô cũng như cách chế biến món ăn cũng khác nhau. Gợi ý một số món cháo cho bé 7 tháng: Cháo thịt bò và ngô bao tử; Cháo sườn non rau củ; Cháo cá chép; Cháo gà, cải bó xôi; Cháo thịt và rau ngót;…
Mẹ nên tuân thủ một số nguyên tắc ăn dặm để con sớm có nề nếp ăn uống tự lập, khoa học.
Gợi ý thực đơn ăn dặm cho trẻ 7 tháng theo ngày
Thứ Hai và thứ Tư
– Khoảng 6 giờ (Khi bé vừa ngủ dậy): Bú mẹ hoặc sữa công thức từ 150 – 200ml.
– 9 giờ sáng: Cháo thịt nạc rau ngót/rau cải. Nấu lượng vừa phải, không ép trẻ ăn.
– 10 giờ sáng: Một nửa quả chuối.
– 11 giờ trưa: Bú mẹ hoặc uống sữa công thức.
– 14 giờ chiều: Cháo trứng gà (Nấu cùng rau xanh).
– 16 giờ: Xoài xay.
– 18 giờ: Súp gà ngô non.
– 20 giờ: Nếu bé chưa ngủ thì cho bé bú mẹ hoặc sữa công thức.
Thứ Ba và thứ Năm
– Sáng ngủ dậy: Bú mẹ hoặc sữa công thức khoảng 150ml.
– 9 giờ sáng: Bột hoặc cháo thịt gà bí ngô
– 10 giờ sáng: Đu đủ xay.
– 11 giờ: Bú mẹ hoặc sữa công thức.
– 14 giờ: Cháo sườn rau cải bó xôi.
– 16 giờ: Bơ xay hoặc sữa chua.
– 18 giờ: Cháo đậu xanh.
Thứ Sáu và Chủ Nhật
– 6 giờ sáng: Bú mẹ hoặc sữa công thức.
– 9 giờ: Cháo thịt bò rau cải.
– 10 giờ: Nửa quả hồng xiêm chín.
– 11 giờ: Bú mẹ/ sữa công thức.
– 14 giờ: Cháo thịt nạc bí ngòi phô mai.
– 16 giờ: Xoài xay.
– 18 giờ: Súp gà đậu bắp.
Thứ Bảy
– 6 giờ sáng ngủ dậy: Bú mẹ hoặc uống sữa công thức.
– 9 giờ: Cháo trứng gà cà rốt.
– 10 giờ: Táo xay.
– 11 giờ: Bú mẹ hoặc sữa công thức.
– 14 giờ: Cháo thịt nạc vai rau dền.
– 16 giờ: Đu đủ xay.
– 18 giờ: Cháo thịt gà đậu đỏ.
Dù tăng bữa ăn dặm/ngày, sữa vẫn là nguồn dinh dưỡng chính cho sự phát triển của trẻ 7 tháng tuổi.
Một điều này mẹ cần ghi nhớ là ngoài việc đảm bảo lịch ăn dặm cho con, hãy chú trọng đến nguyên tắc ăn dặm: Không ép trẻ ăn nhiều, cho ăn đúng giờ. Muốn bé ăn uống tự lập, khoa học, mẹ hãy lặp lại thời điểm bắt đầu và kết thúc ăn mỗi bữa của bé, không kéo dài bữa ăn cả tiếng đồng hồ hoặc đưa bé đi rong nhiều thành thói quen không tốt.
Vừa rồi là những giải đáp thắc mắc cho phụ huynh về “trẻ 7 tháng ăn được gì?” và một vài thực đơn ăn dặm cho trẻ 7 tháng tuổi. Mong rằng các mẹ sẽ có thêm kiến thức để chăm sóc con tốt hơn. Nếu bé gặp vấn đề về tiêu hóa, dinh dưỡng hay các vấn đề khác hãy gọi tới hotline 19001806 hoặc đặt lịch hẹn để được các chuyên gia Nhi khoa tại Bệnh viện Đa khoa Phương Đông tư vấn kịp thời.