Trẻ sơ sinh ị bao nhiêu lần trong ngày là bình thường?

Trẻ sơ sinh ị bao nhiêu lần trong ngày phụ thuộc nhiều vào việc bé bú mẹ hay bú sữa công thức. Đồng thời, khả năng hấp thụ chất dinh dưỡng cũng ảnh hưởng đến số lần đi ngoài của bé.

Trẻ sơ sinh ị bao nhiêu lần trong ngày?

Thông thường trẻ sơ sinh đi ị ít nhất 1 hoặc 2 lần mỗi ngày, có bé có thể đi ngoài từ 5 đến 10 lần mỗi ngày tùy vào loại sữa và số lần bú. Trẻ bú mẹ thường có khuynh hướng đi ngoài nhiều hơn những bé uống sữa công thức. Khi trẻ đang bú sữa mẹ chuyển sang sữa công thức hoặc thay đổi từ loại sữa công thức này loại khác có thể khiến số lần đi ngoài, lượng phân, màu sắc và tính chất phân của bé thay đổi. Số lần đi ngoài có thể giảm khi bé ăn nhiều hơn và trưởng thành hơn.

Trong khoảng 4 – 6 tuần đầu, trẻ sơ sinh đi ngoài ít nhất 3 lần mỗi ngày, nhưng cũng có bé lên đến 4 – 10 lần. Đến cuối tháng đầu tiên, trẻ có thể không đi ngoài mỗi ngày nữa. Sau đó, có thể vài ngày trẻ mới đi ngoài một lần, điều này hoàn toàn là bình thường nên mẹ không cần phải lo lắng khi thấy con mình 2 – 3 ngày mới đi ngoài một lần.

Trẻ bú sữa mẹ đi ị 5 – 6 lần mỗi ngày. Ở một số trẻ kém hấp thu thì 2 – 3 ngày mới đi ngoài một lần. Điều này là bình thường nên mẹ có thể hoàn toàn yên tâm khi phân trẻ mềm và bé đi ngoài dễ dàng, không cần gắng sức.

Trẻ uống sữa công thức thường đi ị 1 – 3 lần mỗi ngày tùy thuộc vào loại sữa công thức bé uống. Sữa công thức được chế biến từ sữa bò hoặc những nguồn nhiên liệu gần giống với sữa mẹ có bổ sung đầy đủ các chất dinh dưỡng cần thiết cho bé. Tuy nhiên, mẹ cần lưu ý là hệ tiêu hóa chưa hoàn thiện của trẻ có thể sẽ khó hấp thu hết toàn bộ dưỡng chất từ sữa công thức nên trẻ bú sữa công thức có nguy cơ mắc táo bón nhiều hơn trẻ bú hoàn toàn sữa mẹ. Vì thế, bố mẹ cần theo dõi kỹ tần suất đi ngoài và tính chất phân của trẻ để phát hiện những dấu hiệu bất thường và có cách xử lý kịp thời.

Phân của trẻ sơ sinh như thế nào là bình thường?

Khoảng từ 6 – 12 giờ sau sinh, trẻ sơ sinh thường đi phân su màu xanh đậm, không mùi trong vòng 2 – 3 ngày. Phân su là chất thải trong ruột trẻ tích tụ từ trong bụng mẹ. Khi đã thải hết phân su, phân trẻ sẽ có màu vàng- xanh lá.

Phân của trẻ bú mẹ có màu sắc và kết cấu giống như mù tạt. Phân thường có màu vàng hoặc hơi xanh, sệt lỏng, nhìn như bị tiêu chảy, có thể có mùi hơi chua và có những hạt trắng trộn lẫn trong phân.

Trẻ bú sữa công thức, phân thường có màu vàng và đặc hơn. Phân có dạng nhão như màu nâu, vàng nâu hoặc xanh lá, có thể đặc thành khuôn, nặng mùi hơn, cũng có thể có hạt trắng trong phân.

Khi trẻ bắt đầu ăn thức ăn đặc, phân sẽ cứng hơn, có thể lẫn các thức ăn chưa tiêu hóa hết và có thể có mùi nặng hơn. Nhiều mẹ lo lắng về màu sắc của phân. Nhưng phần nhiều sự thay đổi màu sắc này là từ các loại thức ăn của trẻ. Mẹ có thể yên tâm nếu phân có màu tương đồng với một số loại thức ăn của trẻ.

Khi phân của trẻ cứng hoặc khô là dấu hiệu cho thấy có thể trẻ đang thiếu nước, mẹ cần cho bé uống nhiều sữa hơn hoặc bổ sung thêm nước cho trẻ…

Cách xử lý khi trẻ sơ sinh ị nhiều lần bất thường

Ba mẹ cần chú ý trong trường hợp trẻ đi ngoài nhiều lần bất thường. Nguyên nhân gây ra những tình trạng đi ngoài bất thường của trẻ hầu hết là do một số yếu tố phổ biến như sau:

Bệnh tiêu chảy

Tình trạng tiêu chảy là cơ chế tự nhiên giúp trẻ loại bỏ virus. Nguyên nhân có thể do trẻ bị nhiễm vi khuẩn, virus hoặc một số vấn đề khác của hệ tiêu hóa như dị ứng, ngộ độc, thay đổi chế độ ăn không phù hợp hoặc do bệnh ruột kích thích.Biểu hiện bệnh lý của tiêu chảy là trẻ đi ngoài phân lỏng như nước hơn 2 ngày, số lần đi ngoài vượt quá mức bình thường. Đi ngoài nhiều khiến trẻ mất nhiều nước, chất điện giải, cũng như dưỡng chất,… mẹ cần chia nhỏ số lượng cữ bú trong ngày để thể bù đắp đủ lượng dưỡng chất cần thiết. Mẹ có thể cho trẻ bú sữa mẹ hoặc sữa công thức như bình thường hoặc uống Oresol bù nước. Thay đổi và điều chỉnh chế độ dinh dưỡng mới cho cả mẹ và con. Mẹ nên hỏi ý kiến của bác sĩ chuyên khoa để có chế độ dinh dưỡng hợp lý nhất.

Nếu bé đi ị nhiều lần đi kèm với các triệu chứng như: Trẻ sốt hơn 38 độ C, có dấu hiệu mất nước như mắt trũng xuống và nước tiểu ít, phân có màu đen hoặc dịch nhầy và máu, bỏ bú và nôn ói… thì bố mẹ nên đưa trẻ đến bệnh viện.

Bệnh táo bón

Trẻ sơ sinh uống sữa công thức thường mắc bệnh táo bón nhiều hơn trẻ bú mẹ. Biểu hiện của bệnh táo bón là trẻ đi ngoài quá ít, thậm chí 3 – 5 ngày mới đi ngoài 1 lần. Phân trẻ thành khuôn rất lớn, dài và khô cứng khiến bé đi ngoài rất khó khăn, mệt mỏi và hay quấy khóc. Trẻ táo bón thường bị trướng bụng, đau tức, đi ngoài phân có lẫn máu hoặc nếu nứt hậu môn, trẻ có thể đi ngoài ra máu tươi. Nếu tình trạng trẻ đi ngoài ra máu tươi xuất hiện hơn 2 lần, ba mẹ nên đưa bé đi khám để xử lý kịp thời, tránh để táo bón kéo dài khiến trẻ sợ đau không dám rặn ị gây ra tình trạng nghiêm trọng hơn. Táo bón càng lâu, ruột bé sẽ quen với việc tích phân dài ngày nên càng khó xử lý.

Trẻ sơ sinh đi ngoài sủi bọt

Trẻ sơ sinh đi ngoài sủi bọt là do chứng rối loạn tiêu hóa. Nguyên nhân có thể do chế độ dinh dưỡng chưa hợp ký hoặc do virus, ký sinh trùng xâm nhập vào đường ruột khiến trẻ bị nhiễm khuẩn dẫn đến rối loạn tiêu hóa.

Nếu trẻ đi ngoài có kèm những dấu hiệu rối loạn tiêu hóa nặng như: Nôn trớ nhiều lần, phân có máu tươi và đen, phân có màu trắng hoặc xám, phân có quá nhiều chất nhầy… mẹ cần đưa trẻ đi bệnh viện hoặc gọi cho bác sĩ để được thăm khám và tư vấn hợp lý.

Một vài lưu ý khi trẻ sơ sinh đi ngoài bất thường

Với những trường hợp trẻ đi ị nhiều lần không quá nghiêm trọng, ba mẹ có thể dễ dàng xử lý ổn thỏa mà không cần sử dụng thuốc, tránh việc làm ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa của trẻ sơ sinh còn yếu và chưa hoàn thiện của trẻ. Mẹ có thể chỉ cần thay đổi chế độ ăn uống dinh dưỡng sao cho phù hợp với trẻ, vệ sinh sạch sẽ núm vú hoặc bình sữa trước và sau khi cho trẻ bú, bổ sung thêm nước cho bé khi trời quá nắng nóng…

Đi ngoài nhiều lần khiến trẻ mất nước, mất chất điện giải và chất dinh dưỡng nên trẻ sẽ mệt mỏi. Mẹ nên dỗ con ngủ nhiều hơn, tạo điều kiện tốt để trẻ ngủ yên, ngủ đủ lâu và ngon giấc sẽ giúp bé lấy lại sức

Nên để trẻ sinh hoạt trong môi trường nhiệt độ phù hợp cũng như thay tã bẩn thường xuyên để tránh tình trạng hăm tã. Sau mỗi lần trẻ đi ngoài, ba mẹ nên vệ sinh mông bé bằng vải mềm và nước ấm, có thể rửa bằng nước lá trà xanh đun sôi để nguội để hạn chế vi khuẩn.

Mẹ cũng cần lưu ý thay đổi chế độ ăn uống phù hợp cũng như cẩn trọng trong việc lựa chọn thức ăn sạch và tươi mỗi ngày.

Thoa Vy

Nguồn tham khảo: Tổng hợp