Có bầu nằm võng được không? Bà bầu nằm võng có ảnh hưởng

Một tư thế nằm khi mang thai chuẩn vừa đảm bảo được giấc ngủ ngon của mẹ, vừa đảm bảo tình trạng sức khỏe của thai nhi. Nhiều mẹ bầu băn khoăn rằng liệu nằm võng có ảnh hưởng đến sự phát triển của bé hay không. Ở bài viết dưới đây, Nhà Thuốc Long Châu sẽ giúp bạn giải đáp thắc mắc: “Có bầu nằm võng được không?”

Vì sao nằm võng giúp ngủ ngon hơn?

Theo một nghiên cứu của chuyên gia người Thụy Sĩ đến từ đại học Geneva, những rung lắc nhẹ nhàng khiến con người dễ dàng rơi vào giấc ngủ, đồng thời ngủ sâu hơn so với việc nằm yên trên giường.

Bằng cách đo điện não đồ những người tình nguyện tham gia nghiên cứu, chuyên gia phát hiện rằng: Việc nằm trên võng đung đưa không chỉ giúp ngủ nhanh hơn, mà còn có thể thay đổi bản chất của giấc ngủ, ngoài ra còn có tác dụng cải thiện trí nhớ. Từ nghiên cứu trên, các chuyên gia hy vọng rằng việc sử dụng võng có thể giúp điều trị tình trạng rối loạn giấc ngủ ở một số người.

Có bầu nằm võng được không?

Mặc dù việc nằm trên võng được chứng minh là giúp ngủ ngon hơn, tuy nhiên hầu hết các chuyên gia y tế không khuyến khích việc nằm ngủ trên võng, nhất là trong thời gian mang thai bởi các lý do dưới đây:

Khiến thai nhi bị chèn ép

Mẹ bầu luôn cần một tư thế ngủ thoải mái để các mẹ và bé luôn khỏe mạnh. Nếu nằm võng khi mang thai, cơ thể trở nên gò bó, từ đó mẹ bầu sẽ gặp khó khăn thay đổi tư thế, đồng thời tay chân dễ bị nhức mỏi.

Ngoài ra, khi mẹ bầu nằm võng trong khoảng thời gian dài sẽ làm tăng áp lực lên tử cung, từ đó chèn ép lên bào thai gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển của thai nhi. Vì vậy, mẹ bầu cần hạn chế tối đa việc nằm võng trong quá trình mang thai, đặc biệt là trong tam cá nguyệt thứ nhất, thai nhi còn yếu ớt, rất dễ bị ảnh hưởng bởi các tác động bên ngoài.

Ảnh hưởng đến hệ hô hấp

Khi nằm võng, cơ thể mẹ bầu thường bị bó hẹp trong tư thế đầu và chân ở vị trí cao, trong khi đó ngực và bụng bị ép xuống, vì vậy mẹ bầu dễ rơi vào tình trạng chóng mặt, khó thở, dần dần dẫn đến tình trạng suy hô hấp vô cùng nguy hiểm do thiếu máu, thiếu oxy lên não.

Ảnh hưởng đến cột sống

Các nghiên cứu cho rằng, mặc dù nằm võng giúp con người ngủ ngon hơn, tuy nhiên việc này có thể khiến họ mắc phải các bệnh liên quan tới xương sống, điển hình là thoát vị đĩa đệm, ngoài ra có thể xuất hiện thêm các triệu chứng như gai xương cột sống, đau dây thần kinh cổ, vai, gáy…

Đặc biệt, đối với phụ nữ mang thai không được cung cấp đủ canxi thì những biểu hiện này càng rõ ràng hơn, vì thế điều này càng chứng minh cho câu hỏi: “Có bầu nằm võng được không?” là không nên.

Nguy cơ bị ngã

Mẹ bầu mang thai nằm võng có nguy cơ cao bị ngã, chủ yếu do 2 nguyên nhân dưới đây:

  • Như đã nói ở trên, việc nằm võng khiến máu và oxy khó lên não dẫn đến tình trạng chóng mặt, choáng váng. Mẹ bầu có thể bị ngã do đứng lên đột ngột sau khi nằm võng.
  • Ngoài ra, nếu dây buộc không chắc chắn, nó có thể bị tuột ra khỏi võng dẫn đến nguy hiểm cho cả mẹ và bé.

Cách nằm võng đúng cho mẹ bầu

Mặc dù các chuyên gia không khuyến khích việc nằm võng khi mang thai, tuy nhiên, trong một số trường hợp, mẹ bầu vẫn có nhu cầu dùng võng nghỉ ngơi thì cần lưu ý một số điều sau:

  • Nằm võng trong khoảng thời gian ngắn: Mẹ bầu chỉ nên sử dụng võng trong vòng 20 – 30 phút, thích hợp cho việc chợp mắt hoặc ngủ trưa. Không được nằm võng quá lâu.
  • Điều chỉnh độ cong của võng phù hợp: Nếu võng trũng quá sâu sẽ dồn nhiều áp lực lên bụng, làm tăng nguy cơ chóng mặt, suy hô hấp. Vì thế, mẹ bầu cần điều chỉnh độ cong, đồng thời cả độ cao của võng để không bị ngã.
  • Cẩn thận khi nằm lên hoặc đi xuống võng: Khi nằm xuống hoặc đứng dậy, mẹ bầu cần chắc chắn rằng chân phải chạm xuống đất trước khi bước ra, tránh việc bị ngã.
  • Chọn loại võng chắc chắn: Nên sử dụng võng có dây buộc chắc chắn, không bị tuột để tránh những hậu quả đáng tiếc xảy ra.

Các cách giúp mẹ bầu ngủ ngon và sâu giấc hơn

Mục đích cuối cùng của nằm võng là giải quyết chứng mất ngủ, tuy nhiên vẫn có một số giải pháp an toàn hơn sẽ được kể đến dưới đây để mẹ bầu có thể đưa mình vào giấc ngủ.

Chọn tư thế ngủ thoải mái nhất

Trong giai đoạn 3 tháng đầu tiên, lực tác động vào cơ thể chưa đủ lớn nên mẹ bầu có thể thoải mái lựa chọn tư thế ngủ sao cho phù hợp và thoải mái nhất. Tuy nhiên, các mẹ bầu cần tránh tư thế nằm sấp hoặc nằm đè lên gối bởi sẽ gây ảnh hưởng đến sự phát triển của bé.

Mẹ bầu có thể lựa chọn một chiếc gối nhỏ để đỡ bụng khi nằm, đồng thời hơi cong chân lại một chút, tuy nhiên không nên quá co ro như con tôm. Hiện nay, đã có những loại gối dành riêng cho mẹ bầu, mẹ cần tập nằm nghiêng về bên trái và duy trì tư thế này trong suốt thai kỳ.

Thường xuyên vận động thoải mái, nhẹ nhàng

Việc tập thể dục nhẹ nhàng như đi bộ, thiền, yoga sẽ giúp hệ cơ – xương – khớp của mẹ bầu được thư giãn, tăng độ dẻo dai, đồng thời tăng khả năng lưu thông máu và oxy trong cơ thể. Từ đó, mẹ bầu có chất lượng giấc ngủ tốt hơn.

Bổ sung đầy đủ các chất dinh dưỡng

Nếu muốn có chất lượng giấc ngủ tốt nhất, mẹ bầu cần bổ sung các nhóm chất sau:

  • Vitamin B: Việc bổ sung vitamin B hỗ trợ cho sự phát triển ống thần kinh của thai nhi, đặc biệt là vitamin B12 có tác dụng cải thiện tâm trạng căng thẳng và mệt mỏi, giúp mẹ bầu dễ dàng đi vào giấc ngủ.
  • Khoáng chất: Đơn giản nhất là mẹ bầu cần uống đủ 2 – 3 lít nước mỗi ngày, bởi những khoáng chất trong nước không chỉ giúp thanh lọc cơ thể, mà còn giúp các hoạt động trao đổi chất diễn ra một cách thuận lợi, tạo điều kiện cho một giấc ngủ ngon.

Không sử dụng các thiết bị điện tử trước khi đi ngủ

Ánh sáng xanh phát ra từ màn hình điện thoại và các thiết bị điện tử được chứng minh là làm chậm quá trình giải phóng melatonin, gây nên chứng khó ngủ. Hơn nữa, sau khi xem các thông tin từ các thiết bị này khiến mẹ bầu có thể phải suy nghĩ. Vì thế, mẹ bầu nên tránh xa chúng ít nhất 30 phút trước khi ngủ để có một giấc ngủ tốt nhất.

Như vậy, bài viết trên đã giúp bạn giải đáp thắc mắc: “Có bầu nằm võng được không?”, đồng thời đưa ra một số phương pháp giúp mẹ bầu có chất lượng giấc ngủ tốt nhất. Chúc mẹ bầu có thai kỳ khỏe mạnh và đừng quên theo dõi những bài viết sắp tới trên trang web của Nhà Thuốc Long Châu nhé!

Ánh Vũ

Nguồn tham khảo: Mediplus