Nên xử trí như thế nào khi trẻ bị hăm cổ – Sở Y tế Nam Định

Ảnh minh họa

Cổ là một trong những vùng da thường hay bị hăm nhất trên cơ thể của trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, nếu không được giữ vệ sinh hằng ngày tại những khu vực da có nhiều nếp gấp thì sẽ dẫn đến hăm, khiến cho trẻ có cảm giác ngứa, khó chịu và đau rát trong những trường hợp tiến triển nặng hơn.

Đặc điểm có thể quan sát được ở vết hăm cổ đó là bề mặt thường bằng phẳng, màu sắc vết hăm đỏ nhẹ, có thể có triệu chứng trẻ bị hăm cổ nổi mụn.. Khi trẻ sơ sinh bị hăm ở cổ thường có những mảng da theo đường ngấn cổ bị nổi đỏ, sưng bì hơn những chỗ bình thường một chút và có trường hợp còn đi kèm các mụn nước li ti. Vì da của trẻ sơ sinh rất mỏng, nhạy cảm nên dễ bị kích ứng với những tác nhân ở môi trường xung quanh gây ra hăm da, dị ứng và viêm loét da. Tuy đó không phải là bệnh nghiêm trọng nhưng trẻ sơ sinh bị hăm ở cổ sẽ cảm thấy khó chịu, nếu để lâu ngày không chữa trị hoặc chữa trị không đúng có thể gây đến tình trạng viêm, loét, gây đau đớn cho trẻ.

Nguyên nhân khiến trẻ bị hăm ở cổ:

Trẻ không được lau và vệ sinh vùng cổ sau khi bú sữa nên bị đọng sữa ở khu vực này;

Mồ hôi đổ ra nhiều ở cổ và không được lau khô;

Dùng quá nhiều phấn rôm khiến da của bé bị bít tắc lỗ chân lông nên dẫn đến hăm;

Nguyên nhân do nấm ở da cổ;

Áo quần của trẻ gây ra những cọ xát với bề mặt da khiến trẻ bị hăm cổ.

Cách trị hăm cổ với kem chống hăm

Có thể dễ dàng tìm mua các loại kem này tại hiệu thuốc, hoặc các cửa hàng chăm sóc mẹ và bé. Chỉ cần thoa một lớp kem mỏng lên da bé sau khi đã vệ sinh da sạch sẽ. Lưu ý, chỉ bôi một lớp kem thật mỏng. Vì làn da trẻ sơ sinh rất mỏng manh và nhạy cảm nên chỉ nên chọn các loại kem có xuất xứ, nguồn gốc rõ ràng. Đặc biệt, nên xem kỹ thành phần để chắc chắn không có hóa chất gây hại cho bé.

Trị hăm cổ ở trẻ sơ sinh bằng các loại lá

Đây là cách trị hăm cổ ở trẻ sơ sinh được nhiều mẹ “truyền tai” qua nhiều đời. Lá trầu không, trà xanh, quả khổ qua, lá ổi… là lựa chọn được nhiều mẹ tin tưởng và áp dụng. Các loại lá này chứa chất kháng khuẩn tự nhiên, có tác dụng làm dịu và mát da. Mẹ có thể cho lá vào nồi nước nấu sôi, sau đó để nguội và pha loãng thêm nước lạnh. Tắm bằng nước lá xong, mẹ có thể tắm lại cho trẻ bằng nước ấm sạch một lần nữa. Lưu ý, những trường hợp vết hăm cổ bị lở, bong tróc, mẹ tuyệt đối không nên áp dụng cách tắm nước lá.

Các biện pháp trị hăm cổ khác

 Đổi chất liệu quần áo cho bé: Chọn loại vải nhẹ, thấm hút tốt và thoáng khí như cotton.

 Khi chọn xà phòng giặt quần áo cho bé cũng nên lưu ý. Không nên chọn loại bột giặt có hương liệu mạnh, nhiều chất tẩy vì có thể gây hại cho làn da bé.

 Sử dụng sữa tắm dịu nhẹ cho bé, có độ pH trong khoảng 4,5-5,5 là tốt nhất.

 Thường xuyên vệ sinh vùng da cổ để loại bỏ bụi bẩn, sữa, nước dãi, mồ hôi sẽ giúp cải thiện tình trạng hăm cổ ở trẻ sơ sinh sau vài ngày

 Không lau mạnh hoặc cọ xát quá nhiều trên da trẻ vì có thể gây kích ứng da, dẫn đến tình trạng hăm càng nghiêm trọng hơn.

 Sử dụng nước đun sôi để nguội hoặc nước cất khi tắm cho bé để hạn chế vi khuẩn độc hại.

 Mát-xa bằng dầu dừa: Mát-xa cho trẻ bằng dầu dừa 2 lần/ngày. Do đặc tính làm mềm da và chống vi khuẩn, dầu dừa có thể giúp bé yêu hạn chế tình trạng hăm cổ./.

Thiên Bình (t/h)