Sẽ mở thêm nhiều phòng tiêm chủng tại các bệnh viện có Khoa Nhi

Đây là một trong dự định sắp tới của Bộ Y tế, khi Hướng dẫn mới về sàng lọc trước tiêm có mở rộng chỉ định tiêm chủng so với trước đây.

Đưa tiêm chủng vào danh sách tiêu chí chấm điểm bệnh viện

Nhiều bác sĩ đã cho rằng đây là đề nghị “có lý”, đối với tiêu chí tiêm vắc xin viêm gan siêu vi B mũi 24 giờ và tiêm chủng cho trẻ mắc bệnh mãn tính. Theo ông Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm, Bệnh viện Nhi đồng 1 TP. Hồ Chí Minh, để đạt độ phủ chủng ngừa theo tiêu chí của Tổ chức y tế thế giới và các bệnh cần thanh toán thì bệnh viện phải tham gia chích ngừa cho trẻ có bệnh mãn tính.

Bên cạnh đó, ông Khanh cho rằng tỷ lệ tiêm chủng mũi vắc xin viêm gan B sơ sinh mới đạt trên 75%, trong khi tỷ lệ này phải đạt trên 90% mới hy vọng hạ thấp tỷ lệ viêm gan B trong dân số. “Việc này các bệnh viện sản nên tham gia, trướ đây do có quy định nhưng chưa có chế tài, nếu đưa vào tiêu chí chấm điểm thì bệnh viện mới thực hiện tốt, khối điều trị mới gắn kết với khối dự phòng”- ông Khanh cho biết.

Một bác sĩ điều trị bệnh truyền nhiễm khác cũng chia sẻ đề nghị này đã được đưa ra bàn thảo nhiều lần, nhưng nếu duy trì “chấm điểm” thì mới đảm bảo độ bền vững của quy định. Cuối tuần qua, Cục Quản lý Khám chữa bệnh và các đơn vị chức năng đã cùng đưa ý kiến “chấm điểm tiêu chí tiêm chủng ở các bệnh viện có khoa nhi” vào bàn bạc tại hội thảo được tổ chức tại TP. Hồ Chí Minh. Theo đại diện Cục Quản lý Khám chữa bệnh, đơn vị này sẽ sớm có thông báo để các Bệnh viện thực hiện.

Nâng cao hiệu quả công tác tiêm vắc xin Viêm gan B tại bệnh viện

Làm tốt 20 năm mới đạt tiêu chí về phòng viêm gan B

Theo ông Khanh, Việt Nam được xếp vào nhóm có tỷ lệ tiêm ngừa viêm gan mũi sơ sinh chưa cao so với khu vực, trong khi đó, số nhiễm viêm gan siêu vi B lại ở ngưỡng cao. Trước đây Nhật Bản cũng có tỷ lệ nhiễm viêm gan B khá cao nhưng hiện nay con số này đã giảm xuống mức rất thấp, lý do là do tiêm chủng vắc xin ngừa viêm gan B.

Ông Khanh cũng cho biết Việt Nam có chương trình phòng viêm gan B tới 2030 và sau đó, với mục tiêu giảm số mắc xuống mức thấp nhất có thể. Tuy so với các nước trong khu vực, tỷ lệ này ở Việt Nam vẫn còn ở mức cao và việc cần các quy định “cứng” hơn để tăng tỷ lệ trẻ được chủng ngừa đúng lịch, giảm số nhiễm viêm gan B mới ở Việt Nam là có độ trễ nhất định so với các nước. “Nhưng muộn vẫn còn là kịp để thay đổi”- ông Khanh nhận xét.

Theo Cục Quản lý Khám chữa bệnh, do hướng dẫn về sàng lọc trước tiêm chủng mới đã mở rộng chỉ định tiêm chủng mở rộng so với trước, ở nhóm trẻ bị bệnh mãn tính, bệnh bẩm sinh, trước đây tiêm chủng tại xã phường là không đảm bảo an toàn cho nhóm trẻ này và có các bác sĩ thường chỉ định hoãn tiêm chủng. Tuy nhiên với hướng dẫn mới và sắp tới đây là sự tham gia của các bệnh viện (bệnh viện có Khoa Nhi đều phải thành lập phòng tiêm chủng), trẻ em trong diện này cũng sẽ được khám sàng lọc kỹ hơn và có cơ hội được tiêm chủng an toàn. Cục Quản lý Khám chữa bệnh cũng cho biết sẽ sớm có thông báo này để các bệnh viện thực hiện.

CTV LA – Dự án TCMR