Hầu hết các bà mẹ lần đầu mang thai đều quan tâm tới chỉ số cân nặng và chiều cao của thai nhi mà bỏ qua một chỉ số thai nhi theo tuần quan trọng khác, đó là chỉ số chiều dài xương đùi thai nhi theo tuần. Chỉ số này góp phần giúp bác sĩ đánh giá sự phát triển của bé trong trong bụng mẹ, đồng thời sàng lọc khả năng trẻ có bị dị tật hay không.
Hình ảnh chiều dài xương đùi của thai nhi qua phim siêu âm
Theo các chuyên gia Nhi khoa, nếu theo dõi chỉ số chiều dài xương đùi thai nhi theo tuần sẽ giúp mẹ điều chỉnh và cải thiện chiều cao của bé yêu ngay từ khi còn trong bụng. Vậy chiều dài xương đùi thai nhi là gì? Mẹ cần có những lưu ý gì về chế độ dinh dưỡng, chế độ nghỉ ngơi để cả mẹ và bé đều phát triển khỏe mạnh? Hãy tìm hiểu thông tin trong bài viết dưới đây của Bệnh viện Đa khoa Phương Đông nhé.
Tìm hiểu chỉ số chiều dài xương đùi của thai nhi
Trong 6 chi số quan trọng của thai nhi (bao gồm: cân nặng, đường kính lưỡng đỉnh, chu vi bụng, chu vi đầu và tỉ lệ chiều dài từ đầu tới chân của bé) thì chiều dài xương đùi (FL – Femur length) là một chỉ số mà mẹ bầu cần nắm vững.
Thông qua phương pháp siêu âm, mẹ bầu có thể biết chỉ số chiều dài xương đùi của bé yêu trong bụng
Từ tuần thứ 14 của thai kỳ, bác sĩ sẽ xác định được chiều dài xương đùi của bé yêu trong bụng và luôn được duy trì xác định trong các lần khám thai kế tiếp. Chiều dài của xương đùi thai nhi hay xương dài ở đùi là một trong số các dấu hiệu được sử dụng để đánh giá sức khỏe và sự phát triển của em bé. Ngoài ra, chỉ số này còn có ý nghĩa trong việc phát hiện hội chứng Down ở thai nhi.
Thông thường, chiều dài xương đùi được đo từ đầu xương chậu đến trục đầu gối và tính theo đơn vị milimet. Bằng phương pháp siêu âm, các bác sĩ có thể phát hiện chiều dài xương đùi của bé có ngắn so với mức tiêu chuẩn hay không. Nếu chỉ số của trẻ thấp hơn so với chiều dài xương đùi thai nhi tiêu chuẩn, có thể đến từ nhiều nguyên nhân và cần được điều trị khắc phục theo chỉ định phù hợp từ bác sĩ.
Chỉ số chiều dài xương đùi thai nhi nói lên điều gì?
Cũng giống như các chỉ số quan trọng khác, chiều dài xương đùi thai nhi theo tuần cho mẹ biết được bé yêu trong bụng có phát triển bình thường hay không. Ngoài ra, chỉ số này còn dự đoán được chiều cao của bé sau này. Tuy nhiên, điều này chỉ mang tính tương đối vì còn phụ thuộc vào yếu tố dinh dưỡng của mẹ, môi trường…
Đối với bé có chỉ số bình thường, nằm trong ngưỡng tiêu chuẩn thì mẹ bầu hoàn toàn có thể yên tâm nghỉ dưỡng đến lúc “vượt cạn”. Nếu trường hợp kết quả siêu âm thai cho thấy xương đùi thai nhi bị ngắn thì đây có thể là một dấu hiệu cảnh báo trẻ có nguy cơ mắc hội chứng Down.
Tuy nhiên theo các chuyên gia, đo khoảng dày da gáy là thông số chính xác nhất để đánh giá thai nhi có bị hội chứng Down hay không, còn chỉ số chiều dài xương đùi ngắn chỉ là nguy cơ làm tăng chứ hoàn toàn không có nghĩa bất kỳ thai nhi nào có chiều dài xương đùi ngắn cũng đều bị Down.
Muốn xác định chiều dài xương đùi của bé có bình thường hay không, bác sĩ sẽ chỉ định đo mật độ khoáng xương và nhiều thông số khác để đánh giá. Nếu cảm thấy không yên tâm, mẹ có thể yêu cầu thực hiện thêm một số xét nghiệm khác.
Các yếu tố quyết định chiều dài xương đùi của thai nhi
Theo các chuyên gia Nhi khoa, có nhiều yếu tố khác nhau ảnh hưởng đến chiều dài xương đùi của thai nhi, trong đó không thể bỏ qua 4 yếu tố chính, bao gồm:
Yếu tố di truyền
Các số liệu nghiên cứu cho biết, chiều dài xương đùi của thai nhi có phát triển tốt hay không phụ thuộc rất nhiều vào yếu tố di truyền, tỷ lệ này chiếm khoảng 23%. Tức là nếu ông bà hay cha mẹ bé có chiều cao lý tưởng thì bé yêu sau này cũng có thể sở hữu chiều cao tốt. Ngược lại, nếu cha mẹ hay ông bà có chiều cao thấp thì đa phần chiều cao của bé sau này cũng sẽ không cao hơn so với chiều cao của người thân trong gia đình.
Tuy nhiên, ngoài yếu tố di truyền thì chế độ dinh dưỡng cũng ảnh hưởng tới chiều dài xương đùi thai nhi và chiều cao của bé. Vì vậy, các ông bố bà mẹ cũng không cần quá lo lắng về điều này.
Theo các nghiên cứu trên thế giới, chế độ dinh dưỡng hàng ngày sẽ ảnh hưởng tới 32% sự phát triển về thể chất và chiều cao của trẻ nhỏ. Do đó, nếu bố mẹ có chiều cao khiêm tốn thì hãy bù lại cho bé yêu của mình bằng một chế độ dinh dưỡng khoa học, hợp lý cùng các bài tập vận động thể chất để hỗ trợ phát triển chiều cao.
Chế độ dinh dưỡng
Chế độ dinh dưỡng ảnh hưởng rất nhiều đến sự phát triển chiều dài xương đùi thai nhi
Như đã đề cập phía trên, chế độ dinh dưỡng ảnh hưởng rất nhiều đến sự phát triển chiều dài xương đùi của thai nhi và chiều cao của trẻ sau này. Vậy mẹ bầu nên ăn gì để tăng chiều dài cho con yêu của mình? Trong quá trình mang thai 9 tháng 10 ngày, nguồn cung cấp dinh dưỡng chính cho thai nhi là từ người mẹ. Vì thế, chế độ dinh dưỡng cho phụ nữ mang thai đóng vai trò rất quan trọng đến việc phát triển cân nặng và chiều cao của bé trong tương lai.
Để cải thiện chỉ số chiều dài xương đùi thai nhi, trong thực đơn ăn uống hàng ngày của mẹ bầu nên bổ sung những thực phẩm chứa nhiều canxi, vitamin D, đạm, axit folic, i-ốt, sắt… Đồng thời, mẹ cũng nên tránh ăn quá nhiều tinh bột, chất béo, đường hay chú trọng quá nhiều đến lượng đạm sẽ tác động đến sự phát triển hệ xương của thai nhi.
Thói quen xấu của mẹ bầu
Có nhiều phụ nữ khi lần đầu mang thai đã có những quan niệm sai lầm trong chế độ dinh dưỡng chẳng hạn như quá chú trọng lượng đạm cần nạp vào cơ thể mỗi ngày mà lại “quên” bổ sung sữa và những thực phẩm giàu canxi. Hay có mẹ lại chỉ “khoái” các loại thực phẩm chứa nhiều tinh bột, đường và chất béo.
Điều này không chỉ ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của thai phụ mà còn gây ra tác động tiêu cực đến sự phát triển xương của thai nhi. Khiến trẻ có nguy cơ chỉ số chiều dài xương đùi thai nhi ngắn.
Không chỉ vậy, một số thói quen sinh hoạt hàng ngày như sử dụng cafe, bia, rượu, uống nhiều nước ngọt, thức khuya hay sử dụng chất kích thích như thuốc lá… cũng là những yếu tố ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển của thai nhi. Vì thế, mẹ bầu nên hạn chế đến mức có thể nhé!
Môi trường sống của mẹ bầu
Mẹ bầu được sống trong bầu không khí trong lành sẽ giúp thai nhi phát triển tốt
Ngoài 3 yếu tố trên ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi thì theo các nhà nghiên cứu, môi trường sống ô nhiễm cũng sẽ tác động không tốt đến sự phát triển của “cục cưng” trong bụng.
Các kết quả nghiên cứu cho thấy, những mẹ bầu sống trong môi trường nhiều khí bụi, chất thải, ô nhiễm nặng nề thì cân nặng của trẻ khi chào đời sẽ giảm 9% và chỉ số vòng đầu cũng nhỏ hơn so với trẻ bình thường 2%.
Ngược lại, đối với nhóm mẹ bầu được sống trong bầu không khí sạch, trong lành thì cân nặng và chiều cao của thai nhi không có sự thay đổi. Do đó, mẹ bầu có thể thấy môi trường sống luôn đóng vai trò quan trọng đến sự phát triển thể chất của bé yêu ngay từ trong bụng.
Vì thế, mẹ bầu và các thành viên trong gia đình hãy chú ý đến việc vệ sinh nhà cửa, môi trường xung quanh, tránh tiếp xúc với môi trường ô nhiễm, khói thuốc, khói bụi. Đồng thời nên thường xuyên sử dụng khẩu trang khi đi ra ngoài và vệ sinh cá nhân sạch sẽ khi trở về nhà.
Bảng chiều dài xương đùi thai nhi theo tuần
Trong suốt thai kỳ, các ông bố bà mẹ chắc hẳn đều có rất nhiều vấn đề để quan tâm như: lịch khám thai định kỳ, sức khỏe của mẹ và bé, chế độ sinh hoạt, chế độ dinh dưỡng hàng ngày… Đặc biệt là thai nhi ở các tuần tuổi có sự thay đổi ra sao, các chỉ số chiều dài xương đùi thai nhi 16 tuần hay chiều dài xương đùi thai nhi 30 tuần là bao nhiêu, liệu bé có đang phát triển bình thường hay không?
Theo các chuyên gia Nhi khoa, số đo chiều dài xương đùi của thai nhi theo tuần nằm ở dưới bách phân vị thứ 5 so với tuổi thai. Để nắm rõ hơn kích thước chiều dài xương đùi thai nhi tiêu chuẩn, các bậc phụ huynh có thể tra bằng bảng thông số chiều dài xương đùi thai nhi. Đây là cơ sở giúp cha mẹ biết được tình trạng phát triển của bé yêu trong bụng.
Hình ảnh Bảng chiều dài xương đùi thai nhi
Dựa vào bảng chiều dài xương đùi của thai nhi cùng kết quả siêu âm các chỉ số của em bé, mẹ bầu hoàn toàn có thể tự đối chiếu để biết con có phát triển đạt chuẩn hay không. Ví dụ chiều dài xương đùi thai nhi 30 tuần là 56mm, nếu bé yêu của bạn có chỉ số FL nằm trong khoảng từ 53 – 63mm, kèm theo các chỉ số khác cũng trong ngưỡng tiêu chuẩn thì tức là con đang phát triển bình thường bố mẹ nhé.
Chiều dài xương đùi thai nhi là chỉ số quan trọng, có mối liên hệ mật thiết với sự phát triển thể chất và chiều cao của trẻ sau này. Vì vậy ở mỗi tuần tuổi, chỉ số chiều dài xương đùi cùng các chỉ số thai nhi khác nằm trong giới hạn cho phép thì “cục cưng” sẽ phát triển bình thường đến khi được sinh ra.
Chiều dài xương đùi thai nhi ngắn phản ánh điều gì?
Chiều dài xương đùi ngắn là một trong những tình trạng bất thường có liên quan đến một số vấn đề về dị tật bẩm sinh ở thai nhi, đặc biệt nếu được phát hiện trong 3 tháng đầu thai kỳ:
Chứng người lùn
Trường hợp chiều dài xương đùi thai nhi ngắn hơn tiêu chuẩn thì bé có nguy cơ mắc chứng người lùn
Theo các chuyên gia Nhi khoa, trường hợp chiều dài xương đùi của thai nhi ngắn hơn tiêu chuẩn thông thường thì bé có nguy cơ mắc chứng người lùn hay tên gọi khác là chứng loạn sản xương. Do các bất thường về tăng trưởng sụn và xương đùi nên tất cả trẻ mắc chứng này đều có khung xương không cân đối.
Tình trạng này có thể khiến thể trạng sau này khi trẻ lớn lên sẽ có tầm vóc thấp bé, chiều cao trung bình thấp hơn 2-3 lần so với độ tuổi. Đi kèm theo chứng người lùn là tình trạng trẻ bị nhẹ cân, do đó ngoại hình của trẻ không bị mất cân đối.
Nhau thai ít chất dinh dưỡng
Nhau thai không chỉ đơn giản là nơi cung cấp dinh dưỡng phù hợp cho bào thai, nó còn được ví như một chiếc đệm, giúp duy trì môi trường sống để bào thai phát triển đầy đủ và toàn diện. Do đó, nếu kết quả siêu âm cho thấy chỉ số chiều dài xương đùi của thai nhi ngắn thì thường có liên quan đến nhau thai ít chất dinh dưỡng. Bên cạnh đó, việc nhau thai thiếu chất dinh dưỡng còn có thể làm tăng nguy cơ sinh non, trẻ sinh ra nhẹ cân…
Thể dị bội
Trẻ có nguy cơ mắc hội chứng Down nếu chỉ số xương đùi thấp hơn so với tiêu chuẩn
Chiều dài xương đùi thai nhi ngắn hơn so với bảng chiều dài xương đùi thai nhi tiêu chuẩn có thể là dấu hiệu cho một số dị tật bẩm sinh, chẳng hạn như Hội chứng Edward, Hội chứng Down hoặc Hội chứng Patau.
Tuy nhiên, theo các bác sĩ Sản khoa, chỉ số chiều dài xương đùi thai nhi theo tuần ngắn chỉ được xem là một nguy cơ thấp của Hội chứng Down và các hội chứng rối loạn di truyền bẩm sinh khác. Để sàng lọc kỹ hơn, mẹ bầu nên thực hiện siêu âm đo độ mờ da gáy và thực hiện thêm một số xét nghiệm khác để có kết quả chính xác hơn.
Mẹ bầu cần làm gì để thai nhi có chỉ số đạt chuẩn?
Mẹ bầu nên bổ sung 1-2 ly sữa bầu mỗi ngày
Như đã đề cập, chế độ ăn uống hàng ngày của mẹ bầu có tác động trực tiếp đến sự phát triển của bé yêu trong bụng. Vì vậy, chiều dài xương đùi của thai nhi bị ngắn có thể nguyên nhân là do chế độ dinh dưỡng của mẹ. Do đó, để trả lời cho câu hỏi “Mẹ bầu cần làm gì để thai nhi có chỉ số đạt chuẩn” thì mẹ có thể bổ sung các thực phẩm sau đây trong khẩu phần ăn hàng ngày của mình:
- Các loại rau có màu xanh đậm như bông cải xanh, cải xoăn, cải chíp, rau bina. Các loại rau này giúp cung cấp canxi, chất xơ, kali, vitamin A cho cơ thể, đồng thời cũng rất giàu chất chống oxy hóa.
- Hạt óc chó, hạt hạnh nhân giúp bổ sung canxi cho mẹ bầu.
- Các chế phẩm từ đậu, hạt vừng đều có hàm lượng canxi dồi dào, mẹ bầu nên bổ sung vào các bữa ăn hàng ngày trong thai kỳ.
- Các loại hải sản như cua biển, cá mòi, cá chạch, hàu, tảo biển, tôm đồng rất giàu canxi.
- Các loại thực phẩm giàu vitamin D như cá hồi, nấm, sữa, chất đạm như trứng, cá, thịt, sắt như đậu, lòng đỏ trứng, nghêu.
- Các loại thực phẩm giàu Acid folic như rau mùi tây, đậu, bông cải xanh cũng rất tốt cho phụ nữ mang thai.
- Mẹ bầu nên chú ý bổ sung thêm sữa chua, phô mai và uống 1 – 2 ly sữa bầu mỗi ngày.
- Khi mang thai, mẹ bầu nên hạn chế ăn các loại thực phẩm chế biến sẵn, đồ nhiều dầu mỡ, chiên xào, bánh kẹo quá ngọt.
- Tuyệt đối không nên dùng các chất kích thích như thuốc lá, cà phê, rượu.
Có thể thấy, chiều dài xương đùi của thai nhi ngắn không hẳn là một bất thường cấu trúc mà có thể bị ảnh hưởng từ nhiều yếu tố khác nhau. Nếu mẹ bầu ăn uống khoa học, đủ chất, sinh hoạt điều độ thì không cần quá căng thẳng, lo âu quá nhiều vì điều này còn phụ thuộc vào tay nghề của bác sĩ và máy siêu âm nữa.
Ngoài ra, chiều cao của trẻ còn phụ thuộc vào yếu tố di truyền đó là chiều cao của cha mẹ, ông bà. Do đó nếu cha mẹ cao lớn thì bé sẽ không bị lùn, ngoài trừ bé bị còi xương, suy dinh dưỡng… Bên cạnh đó, chiều cao của trẻ có thể cải thiện được nhờ chế độ dinh dưỡng và thể dục, vì thế mẹ bầu hãy cứ yên tâm vượt cạn thành công, đón “mẹ tròn, con vuông” nhé! Nếu cần tư vấn hãy gọi đến hotline 19001806 để được các chuyên gia y tế giải đáp.