GIỚI THIỆU BỆNH VIỆN PHẠM NGỌC THẠCH
Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch tiền thân là bệnh viện Hồng Bàng được xây dựng và đưa vào hoạt động vào năm 1906 nghĩa là bệnh viện đã có lịch sử hơn 116 năm hoạt động. Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch tọa lạc tại địa chỉ 120 đường Hồng Bàng, Phường 12, Quận 5, Thành phố Hồ Chí Minh, nơi đây là trung tâm hành chính kinh tế năng động của quận 5. Phía Đông của bệnh viện tiếp giáp đường Ngô Quyền, phía Nam tiếp giáp đường Hồng Bàng, phía Tây tiếp giáp trường học, phía Bắc giáp khu dân cư. Nhờ vị trí địa lý thuận lợi là mặt tiền của cả đường Hồng Bàng và đường Ngô Quyền, lại ở gần các cơ quan nhà nước và công viên lớn nhất quận 5 cũng như chỉ cách đại lộ Đông Tây khoảng 1km, nên việc di chuyển đến bệnh viện rất thuận lợi hiếm khi bị tắc nghẽn giao thông ngay cả khi đi lại bằng xe 4 bánh. Khuôn viên của bệnh viện rất rộng, khoảng 4,6 hecta với nhiều cây cổ thụ nhiều cây cảnh có hoa quanh năm, nên nơi đây thực sự là môi trường tự nhiên trong lành giúp bệnh nhân mau chóng khỏi bệnh.
Cổng Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch
Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch là đơn vị đầu ngành thực hiện chỉ đạo tuyến về lao và bệnh phổi cho các tỉnh thành miền Nam, bệnh viện rất vinh dự được mang tên của anh hùng lao động, Nguyên Bộ trưởng Bộ Y tế đầu tiên của Chính phủ lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hòa – Ông được xem như ông tổ trong ngành lao và bệnh phổi với một câu nói xem như là phương châm hành động cho ngành lao và bệnh phổi Việt Nam hiện nay, đó là: “chỉ có nắm vững tình hình bệnh phổi trong nước mới chuẩn đoán bệnh lao ít sai lầm” và chúng tôi cũng phát triển trên tinh thần đó. Khởi nguồn là một bệnh viện lao nhưng bây giờ Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch là một bệnh viện chuyên về phổi trong đó mũi nhọn thực sự là bệnh phổi với các hệ thống trang thiết bị mới, tiên tiến, được đầu tư từ nhà nước và nguồn vốn của bệnh viện, nhờ sự giúp đỡ của bạn bè quốc tế. Chúng tôi luôn tâm niệm giá trị cốt lõi của Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch là “Phát triển – Nhân văn – Thiện nguyện” để thực hiện sứ mệnh “Chăm sóc tốt sức khỏe phổi” với tầm nhìn “Vươn tới đỉnh cao bệnh phổi”.
Khuôn viên Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch
Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch là bệnh viện hạng I trực thuộc Sở Y tế thành phố Hồ Chí Minh. Theo Quyết định phân công công tác chỉ đạo tuyến trong lĩnh vực khám, chữa bệnh, ban hành kèm theo Quyết định số 4026 /QĐ-BYT ngày 20 tháng 10 năm 2010 của Bộ trưởng Bộ Y tế, Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch là bệnh viện đầu ngành, phụ trách chỉ đạo tuyến trong lĩnh vực khám, chữa bệnh cho chuyên khoa Lao và Bệnh Phổi các tỉnh/thành phố Miền Nam. Bệnh viện là cơ sở thực hành của Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh, Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, Học viện Quân Y, Khoa Y Đại Học Quốc Gia Thành phố Hồ Chí Minh, Khoa Y Đại học Tân Tạo,…
Khuôn viên Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch
Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch gồm có 10 phòng chức năng (phòng Tổ chức Cán bộ, phòng Kế hoạch Tổng hợp, phòng Công tác Xã hội, phòng Quản lý Chất lượng, phòng Điều dưỡng, phòng Chỉ đạo tuyến, phòng Tài chính Kế toán, phòng Hành chính Quản trị, phòng Vật tư Trang thiết bị, phòng Công nghệ Thông tin). Khu chẩn đoán Kỹ thuật cao gồm có: 04 khoa cận lâm sàng (Chẩn đoán hình ảnh, Vi sinh, Sinh hoá- huyết học- Miễn dịch, Giải phẫu bệnh) và 01 khoa Khám bệnh và quản lý điều trị ngoại trú phục vụ trung bình khoảng 1500 lượt bệnh nhân/ngày và 16 giường bệnh điều trị ban ngày. Khu A là khu bệnh phổi có tổng cộng là 406 giường bệnh gồm các khoa: A2, A3, A4, A5, A6 có 315 giường bệnh (63 giường bệnh/khoa), khoa Hồi sức cấp cứu – Chống độc 91 giường bệnh. Khoa Hóa trị Ung thư 128 giường bệnh. Khu B là khu lao có tổng cộng 187 giường bệnh, gồm các khoa B2 80 giường bệnh, B3 59 giường bệnh, B4 48 giường bệnh. Khu C là khu Kỹ thuật chuyên sâu chuyên chẩn đoán bệnh phổi không lây nhiễm có tổng cộng 210 giường bệnh: gồm các khoa C4, C5, C6 có 78 giường bệnh (26 giường bệnh/khoa), khoa Gây mê Hồi sức 15 giường bệnh, khoa Ngoại lồng ngực 1 có 80 giường bệnh, khoa Ngoại lồng ngực 2 với 42. Khoa Cấp cứu Ngoại chẩn có 46 giường bệnh, khoa Dịch vụ điều trị bệnh phổi 33 giường bệnh, 01 Khoa Nhi 20 giường bệnh (05 giường Điều trị trong ngày). Ngoài ra còn có 01 khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn, 01 khoa Phục hồi Chức năng, 01 khoa Dược.
Lễ chào cờ sáng thứ hai hàng tuần tại Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch
Bệnh viện là nơi hoạt động nghề nghiệp của một tập thể 905 nhân viên y tế có tay nghề cao cả nội và ngoại khoa trong lĩnh vực lao và bệnh phổi, đặc biệt là trong lĩnh vực phẫu thuật lồng ngực, chẩn đoán và hoá trị ung thư phế quản phổi, bệnh phổi không lao và lao (khoảng 30%), mỗi ngày phục vụ cho khoảng 1500 lượt bệnh nhân ngoại trú và 1035 giường nội trú với công suất hoạt động 110%.
Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch
Nhiệm vụ
– Tiếp nhận khám, chẩn đoán, điều trị, theo dõi quản lý bệnh nhân mắc các bệnh hô hấp không lao và bệnh lao.
– Phụ trách chỉ đạo tuyến trong lĩnh vực khám, chữa bệnh cho chuyên khoa Lao và Bệnh Phổi các tỉnh/thành phố Miền Nam theo Quyết định phân công công tác chỉ đạo tuyến trong lĩnh vực khám, chữa bệnh, ban hành kèm theo Quyết định số 4026 /QĐ-BYT ngày 20 tháng 10 năm 2010 của Bộ trưởng Bộ Y tế.
Cấp cứu
Tiếp nhận tất cả các bệnh nhân đang ở trong tình trạng cấp cứu, đặc biệt liên quan đến bệnh hô hấp và bệnh lao.
Khám chữa bệnh
– Tiếp nhận khám, chẩn đoán, điều trị, theo dõi quản lý bệnh nhân mắc các bệnh phổi không lao (hen suyễn, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, viêm phế quản, viêm phổi không lao, dãn phế quản, kén khí phổi, tràn khí màng phổi, tràn mủ màng phổi, dày màng phổi, u phổi, u trung thất, phổi biệt trí…), bệnh phổi nghề nghiệp và bệnh lao:
– Do bệnh nhân tự đến hay tuyến dưới chuyển đến.
– Theo yêu cầu người bệnh và thân nhân bệnh nhân, theo yêu cầu các cơ quan, xí nghiệp trong và ngoài nước.
– Theo yêu cầu của Hội Đồng Giám Định Y Khoa, và của Ban Bảo vệ Sức khoẻ Thành uỷ.
Đào tạo Cán bộ Y tế
* Là cơ sở thực hành của Đại học Y Dược TP.Hồ Chí Minh, Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, Học viện Quân Y, Khoa Y Đại Học Quốc Gia, Khoa Y Đại học Tân Tạo, Cao đẳng Phương Nam, Đại học Hồng Bàng, Đại học Miền Nam, Cao đẳng Nguyễn Tất Thành …
* Tổ chức đào tạo liên tục cho các thành viên trong và ngoài bệnh viện mạng lưới chống lao tuyến Quận- Huyện.
* Các chương trình đào tạo gồm:
– Xét nghiệm:
+ Soi đàm trực tiếp,
+ Nuôi cấy vi trùng lao,
+ Xpert MTB/RIF,
+ Nuôi cấy tạp trùng – Định danh,
+ Kháng sinh đồ lao,
+ FNA hạch đọc chẩn đoán,
+ Giải phẫu bệnh.
– Hồi sức cấp cứu:
+ Hồi sức cấp cứu hô hấp,
+ Vận hành – sử dụng máy giúp thở,
+ Chăm sóc bệnh nhân tại khoa HSCC (Điều dưỡng)
– Chẩn đoán hình ảnh:
+ Kỹ thuật chụp X-quang phổi thường quy,
+ Sinh thiết xuyên thành dưới hướng dẫn của CT,
+ Đọc và nhận định kết quả X Quang phổi.
– Ngoại khoa và Nội soi phế quản:
+ Nội soi màng phổi,
+ Sinh thiết màng phổi mù,
+ Dẫn lưu màng phổi,
+ Sinh thiết hạch,
+ Nội soi phế quản,
+ Phẫu thuật lồng ngực,
+ Gây mê hồi sức.
– Thăm dò chức năng hô hấp:
+ Thăm dò chức năng hô hấp
+ Chẩn đoán và quản lý bệnh nhân Hen – COPD
Và một số chương trình đào tạo khác trong chuyên ngành bệnh phổi.
Nghiên cứu khoa học
– Thực hiện nghiên cứu các đề tài cấp cơ sở và cấp bộ về phát triển kỹ thuật chẩn đoán mới, nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng trong chẩn đoán và điều trị các bệnh hen, bệnh phổi tắt nghẽn mãn tính, bệnh lao, bệnh lao kháng thuốc, lao siêu kháng thuốc và lao/HIV.
– Thực hiện các nghiên cứu cơ bản khảo sát kiểu gien của người bệnh để tìm mối tương quan giữa kiểu gien của người bệnh với khả năng mắc bệnh lao hoặc lao kháng thuốc.
– Nghiên cứu dịch tễ học ứng dụng trong công tác chỉ đạo tuyến liên quan đến các bệnh lao và bệnh phổi không lao.
– Tham gia Điều tra dịch tễ về lao và lao kháng thuốc do Dự án phòng chống lao Quốc gia triển khai.
– Hợp tác nghiên cứu khoa học với Đơn vị nghiên cứu lâm sàng thuộc Đại học Oxford (OUCRU), Tổ chức Friends for International Tuberculosis Relief (FIT),…
Chỉ đạo tuyến dưới
- Chỉ đạo tuyến công tác khám, chữa bệnh:
– Khảo sát đánh giá năng lực chuyên môn và nhu cầu đào tạo của tuyến dưới.
– Hướng dẫn và tạo điều kiện cho tuyến dưới nâng cao chất lượng khám bệnh, chữa bệnh, thực hiện đúng tuyến kỹ thuật; thông báo kịp thời các sai sót về chuyên môn kỹ thuật.
– Kiểm tra việc thực hiện quy chế chuyên môn, quy trình kỹ thuật của đơn vị tuyến dưới.
– Hỗ trợ kỹ thuật tuyến dưới khi có yêu cầu.
– Tổ chức thực hiện công tác đào tạo lại, đào tạo liên tục cho cán bộ của các đơn vị tuyến dưới về chuyên môn kỹ thuật tại bệnh viện hoặc tại cơ sở.
– Tiếp nhận cán bộ chuyên môn của tuyến dưới về học tập thực hành, nâng cao tay nghề.
– Tổ chức thực hiện công tác nghiên cứu khoa học- công nghệ.
– Thực hiện nghiên cứu khoa học về chỉ đạo tuyến.
- Triển khai công tác hướng về cộng đồng:
– Cùng với tuyến dưới, hướng về cộng đồng thực hiện chăm sóc sức khoẻ ban đầu, tham gia phòng chống lao và bệnh phổi.
– Tham gia phối hợp với Dự án phòng chống lao Quốc gia – Bệnh viện Phổi Trung ương chỉ đạo tuyến trong việc thực hiện các nội dung hoạt động về Chương trình chống lao (CTCL) tại Khu vực được phân công (Quyết định số 4026/QĐ-BYT ngày 20/10/2010 của Bộ Y tế về Quy định phân công công tác chỉ đạo tuyến trong lĩnh vực khám, chữa bệnh).
– Tại các tỉnh thành phía Nam: chỉ đạo CTCL các tỉnh thành phía Nam, triển khai thực hiện các chỉ tiêu hoạt động chống lao hàng năm của tỉnh theo đúng đường hướng của Trung Ương. Nhiệm vụ cụ thể bao gồm công tác kiểm tra giám sát hàng quý và đột xuất, lượng giá công tác đã thực hiện, tập hợp báo cáo quý, năm để gởi về Trung Ương, đào tạo cán bộ, giáo dục truyền thông, điều tra dịch tể, nghiên cứu khoa học và phân phối tiếp liệu nhận được của CTCLQG cho các tỉnh.
– Tại TP.Hồ Chí Minh: Chỉ đạo kỹ thuật các Tổ chống lao quận huyện triển khai thực hiện các hoạt động chống lao hàng năm theo chỉ tiêu, đường hướng của Trung Ương và Sở Y tế. Nhiệm vụ cụ thể bao gồm các công tác sau: Chỉ đạo tổ chức triển khai các biện pháp phòng chống lao tại quận huyện, phường xã, kiểm tra giám sát, lượng giá công tác đã thực hiện, đạo tạo cán bộ, giáo dục truyền thông, kế hoạch tiếp liệu và điều tra dịch tể, nghiên cứu khoa học.
– Hàng năm tổ chức tổng kết việc thực hiện công tác chỉ đạo tuyến theo kế hoạch và báo cáo kết quả với Sở Y tế thành phố Hồ Chí Minh cũng như Dự án phòng, chống lao Quốc gia.
BỆNH VIỆN PHẠM NGỌC THẠCH