Trẻ nhỏ bị sốt phát ban khiến da bị nổi mẩn đỏ khắp người, theo dân gian, để giúp trẻ nhanh khỏi, các mẹ có thể tắm cho trẻ bằng các loại lá thảo dược lành tính. Vậy trẻ bị sốt phát ban tắm lá gì, hãy cùng tìm hiểu trong bài viết dưới đây.
Thông tin cơ bản về tình trạng sốt phát ban
Sốt phát ban ở trẻ em là khi trẻ bị nóng sốt, nổi các đốm nhỏ màu đỏ trên bề mặt da.
Bệnh chủ yếu do nguyên nhân từ virus, điển hình nhất là virus đường hô hấp. Virus sẽ tấn công trẻ và phát bệnh ở trẻ sau khoảng 1 tuần với các triệu chứng:
- Sốt: tùy thuộc vào thể trạng của từng trẻ, nhiệt độ sốt sẽ trong khoảng từ 38 – 39,4 độ C. Có trẻ còn kèm theo ho, viêm họng, sổ mũi, sưng hạch bạch huyết ở cổ. Sau 3 – 5 ngày tình trạng sốt sẽ giảm.
- Phát ban: Vùng ngực, bụng, lưng của trẻ sẽ xuất hiện các nốt ban có màu hồng hoặc được bao quanh bởi một vòng màu trắng, không ngứa và kéo dài trong vài ngày. Sau khi cắt cơn sốt, nốt ban sẽ lan dần tới cánh tay, cổ.
- Triệu chứng khác: sưng mí mắt, tiêu chảy nhẹ, chán ăn, quấy khóc…
Đa phần các trường hợp sốt phát ban ở trẻ đều không nguy hiểm nếu chăm sóc đúng cách. Cha mẹ cũng cần chú ý khi thấy trẻ có những triệu chứng dưới đây hãy đưa trẻ tới gặp bác sĩ ngay:
- Trẻ sốt cao hơn 39,5 độ C
- Trẻ bị sốt và phát ban kéo dài hơn 7 ngày
- Quá 3 ngày nhưng phát ban không chuyển biến tốt
- Hệ miễn dịch của bé bị suy giảm và bé từng tiếp xúc với người mắc bệnh sốt phát ban.
Trẻ bị sốt phát ban có nên tắm hay không?
Nhiều mẹ quan niệm rằng, không nên tắm khi trẻ bị sốt phát ban sẽ khiến bệnh của trẻ trở nặng, kéo dài. Nhưng các bác sĩ nhi khoa nhận định đây là quan niệm sai lầm.
Trẻ bị sốt phát ban sẽ ra nhiều mồ hôi hơn so với trẻ bình thường. Không những vậy, trẻ sốt phát ban còn bị nóng trong người nên luôn cảm thấy ngứa ngáy khó chịu. Nếu phụ huynh để trẻ kiêng nước, kiêng tắm sẽ khiến trẻ ngứa ngáy, khó chịu hơn rất nhiều. Da không được vệ sinh sạch sẽ còn làm cho trẻ bị mắc các bệnh da liễu khác như viêm da, mẩn đỏ, loét da…
Tắm cho trẻ bị sốt phát ban rất cần thiết để giúp trẻ hạ thân nhiệt, loại bỏ được mồ hôi, vi khuẩn tồn đọng trên da, cải thiện tình trạng bệnh. Khi cơ thể được làm sạch, trẻ sẽ thoải mái hơn, giảm sự ngứa ngáy, nhờn rít trên da.
Trẻ bị sốt phát ban tắm lá gì?
Việc tắm rửa cho trẻ bị sốt phát ban không chỉ giúp làm sạch cơ thể, ngăn nguy cơ gây bệnh mà còn là cách hạ sốt hiệu quả. Ngoài việc tắm cho trẻ bị sốt phát ban bằng nước muối ấm lõng, các bậc phụ huynh có thể sử dụng các loại thảo dược để đun nước tắm cho trẻ sẽ giúp bệnh sốt phát ban nhanh khỏi hơn, giảm các di chứng khác trên da.
Vậy trẻ bị sốt phát ban tắm lá gì tốt?
Lá kinh giới
Đặc tính ấm nóng và trừ phong tốt của lá kinh giới rất hiệu quả cho việc chữa bệnh ngoài da nói chung và bệnh phát ban ở trẻ em nói riêng.
Cách làm như sau: Rửa sạch khoảng 200g lá kinh giới sau đó giã nát và vắt lấy nước cốt. Dùng nước cốt lá kinh giới hòa cùng 2 lít nước. Tiếp đến đun hỗn hợp này lên trong vòng 15 phút. Mỗi ngày, dùng nước lá kinh giới pha loãng với nước ấm tắm cho trẻ mỗi ngày cho đến khi khỏi bệnh.
Lưu ý không sử dụng nước lá kinh giới để tắm cho trẻ sơ sinh.
Lá khế
Ngoài quả khế để ăn thì lá khế còn có tác dụng tốt trong việc điều trị thải độc, lợi tiểu, giảm nhanh tình trạng ban đỏ, ung nhọt…. nhờ đặc tính lạnh, có vị chát.
Cách làm như sau: rửa sạch khoảng 200g lá khế rồi vò nát. Sau đó, đun lá khế cùng khoảng 2 lít nước tới khi nước ấm nóng, rồi lấy ra tắm cho trẻ.
Lá ngải cứu
Trong đông y, lá ngải cứu được dùng làm bài thuốc chữa nhiều bệnh. Phải kể đến việc sử dụng lá ngải cứu để điều trị bệnh ngoài da phát ban, mề đay, mẩn ngứa, giảm viêm làm dịu vết thường vô cùng hiệu quả.
Cách làm: Dùng là ngải cứu đun sôi cùng 2 lít nước, sau đó chắt lấy nước lá ngải cứu và pha với nước lạnh tới khi đạt nhiệt độ thích hợp để tắm cho trẻ.
Lá trà xanh
Trà xanh có công dụng phổ biến giảm đau nhức, khắc phục tình trạng sốt phát ban ở cả trẻ em và người lớn.
Hàm lượng chất chống oxy hóa và vitamin B dồi dào trong trà xanh sẽ giúp ngăn chặn tối đa sự phát triển của vi khuẩn gây bệnh, thải độc tố bám trên da và giúp nhanh lành vết thương.
Cách làm: Rửa sạch lá trà xanh bằng nước muối, sau đó vò nát và hãm với nước đun sôi. Nước trà xanh sau khi đun, lấy ra pha với nước lạnh thêm một chút muối để tắm cho trẻ. Lưu ý không dùng chè khô để thay cho chè tươi.
Lá trầu không
Trẻ bị sốt phát ban tắm lá gì? Nhất định phải tắm bằng lá trầu không. Hoạt chất polyphenol có hàm lượng cao trong lá trầu không sẽ mang đến tác dụng kháng khuẩn rất tốt và thường được sử dụng làm bài thuốc chữa bệnh ngoài da. Cộng thêm, lá trầu không có tính ấm, vị cay nồng và không có mùi hắc rất phù hợp tắm cho trẻ.
Cách làm: Lá trầu không rửa sạch cho vào nước và đun sôi trong khoảng 10 phút. Pha nước đun lá trầu không với nước lạnh tới khi đạt nhiệt độ phù hợp rồi tắm cho trẻ đều đặn để thấy hiệu quả.
Lá mướp đắng rừng
Cây mướp đắng rừng có vị đắng hơn rất nhiều so với mướp đắng thông thường. Phần lá của mướ đắng rừng có chứa các hợp chất như momordicin, cucurbitacin có lợi ích rất tốt trong việc điều trị các nốt ban đỏ trên da.
Cách làm: rửa sạch lá mướp đắng rừng rồi cho vào nước đun sôi khoảng 10 phút. Pha thêm với nước lạnh cho đến khi nhiệt độ vừa phải thì tắm cho trẻ.
Lưu ý cách tắm đúng cách cho trẻ bị sốt phát ban
Bên cạnh việc quan tâm tới trẻ bị sốt phát ban tắm lá gì, các mẹ cũng cần biết tắm cho trẻ sao cho đúng cách.
- Đo nhiệt độ cho trẻ, khi trẻ hết sốt mới được tắm lá
- Vào mùa đông trời lạnh, nên cho trẻ tắm sớm vào lúc 9 đến 11 giờ sáng hoặc chiều từ 15 đến 17 giờ chiều để tránh cảm lạnh.
- Nhiệt độ nước khi tắm vừa phải, thấp khoảng 2 độ so với thân nhiệt của trẻ. Không nên dùng nước lạnh hoặc nước quá nóng để tắm cho trẻ vì da của trẻ rất mẫn cảm. Khi tắm nước quá lạnh sẽ khiến lỗ chân lông se lại nhưng nước quá nóng lại khiến cho những nốt phát ban dễ bị kích thích.
- Không dùng phấn rôm trong thời gian trẻ đang bị phát ban.
- Cần chuẩn bị đầy đủ mọi thứ sẵn sàng như quần áo và khăn tắm trước khi tắm cho trẻ, nên tắm ở nơi kín gió. Lau khô người cho trẻ nhanh chóng sau khi tắm xong, để trẻ không bị lạnh.
- Trẻ dưới 6 tháng tuổi không nên tắm nước lá
- Đảm bảo lá sạch trước khi nấu để tắm cho trẻ để làm sạch bụi bẩn và thuốc bảo vệ thực vật (nếu có).
- Tắm cho trẻ nhanh, không chà xát lá quá mạnh lên vùng da của trẻ sẽ khiến tình trạng phát ban càng nghiêm trọng hơn.
- Có thể tắm cho trẻ 1 ngày/lần hoặc 2 ngày/lần.
Tắm cho trẻ bằng lá thảo dược chỉ nên coi là biện pháp hỗ trợ giảm triệu chứng phát ban trên da. Muốn điều trị sốt phát ban, cha mẹ vẫn cần đưa trẻ tới bác sĩ thăm khám để được chỉ định đơn thuốc phù hợp cho trẻ.
**Lưu ý: Những thông tin cung cấp trong bài viết của Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc mang tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh không được tự ý mua thuốc để điều trị. Để biết chính xác tình trạng bệnh lý, người bệnh cần tới các bệnh viện để được bác sĩ thăm khám trực tiếp, chẩn đoán và tư vấn phác đồ điều trị hợp lý.
Theo dõi fanpage của Khoa Nhi – Bệnh viện Hồng Ngọc TẠI ĐÂY để có thêm những thông tin hữu ích về sức khỏe và các chương trình ưu đãi hấp dẫn từ bệnh viện.