1. Cân nặng trẻ sơ sinh sau 1 tháng bao nhiêu là đủ?
Sự thay đổi cân nặng không giống nhau ở mọi thời điểm, trung bình mỗi giai đoạn bé sẽ tăng lên một số kg nhất định và ba mẹ cần đối chiếu mức tăng này với tiêu chuẩn để xác định con tăng cân đã đủ hay chưa.
1.1. Các mốc phát triển cân nặng của bé sơ sinh
Trong 1 năm đầu đời, chỉ số cân nặng của bé sau 1 tháng thay đổi theo 3 giai đoạn chính:
- Giai đoạn 1: 0 – 3 tháng
Ở 3 tháng đầu, mức tăng cân của trẻ đạt từ 1 – 1.2kg/ tháng tương đương sau 3 tháng, bé trai nặng trung bình 6.4kg và bé gái là 5.8kg. Cân nặng của bé được coi là tốt khi xấp xỉ bằng mức trung bình và có thể chấp nhận được trong khoảng từ 5.7 – 7.2kg với bé trai và 5.2 – 6.6 với bé gái.
- Giai đoạn 2: 4 – 6 tháng
Sang giai đoạn này, mức tăng giảm còn 50% tức là 500 – 600g/tháng. Bé trai 6 tháng tuổi đạt mức cân nặng trung bình là 7.9 kg và bé gái là 7.3kg. Giới hạn mức cân nặng cho phép trong 3 tháng giữa dao động từ 7.1 – 8.8kg đối với bé trai và 6.5 – 8.2kg đối với bé gái.
- Giai đoạn 3: 7 – 12 tháng
Ở cột mốc cuối cùng, thay vì phát triển cân nặng bé sẽ tập trung tăng trưởng chiều cao và trí não. Do đó, mỗi tháng trong nửa năm cuối, bé chỉ tăng 200 – 300g/tháng và có sự thay đổi lớn về chiều dài.
Tương tự như 2 giai đoạn trên, cột mốc thứ 3 cũng có giới hạn cân nặng an toàn từ 8.6 – 10.8kg với bé trai và 7.9 – 10.1 kg với bé gái.
1.2. Bảng cân nặng chuẩn của trẻ sơ sinh năm đầu tiên
Bảng cân nặng chuẩn dưới đây sẽ giúp ba mẹ hình dung rõ hơn về mức tăng cũng như giới hạn cân nặng của bé theo mỗi tháng tuổi.
Bảng cân nặng chuẩn của trẻ sơ sinh gái từ 0 – 1 tuổi. (Nguồn: https://www.who.int/)
Bảng cân nặng chuẩn của trẻ sơ sinh trai từ 0 – 1 tuổi. (Nguồn: https://www.who.int/)
Một số lưu ý khi áp dụng bảng chuẩn:
-
Bảng chỉ số áp dụng với các bé sinh đủ tháng, có cân nặng trung bình đạt từ 2.9 – 3.8kg và chiều cao đạt 50cm.
-
Mức cân nặng trung bình tương ứng với mỗi cột mốc kể trên.
2. Đánh giá tình trạng cân nặng của bé sau 1 tháng như thế nào?
Để đánh giá mức cân nặng hiện tại của con đã đủ chuẩn hay chưa, ba mẹ cần thực hiện đủ 4 bước dưới đây:
Bước 1: Cân và ghi lại số đo cuối cùng của tháng trước và tháng hiện tại.
Bước 2: So sánh số cân thay đổi có nằm trong mức tăng chuẩn hay không.
Bước 3: Đối chiếu với cân nặng chuẩn tương ứng với tháng tuổi của bé.
Bước 4: Đánh giá kết quả.
Nếu con đạt mức cân trung bình và số cân thay đổi nằm trong phạm vi chuẩn thì con đang phát triển tốt. Trong trường hợp bé hơi nhẹ cân hoặc chưa đạt mức trung bình khi chào đời, nếu mức tăng cân vẫn đảm bảo mà cân nặng không chênh lệch với mức trung bình đáng kể thì con vẫn phát triển bình thường.
Cụ thể, có 3 mốc đánh giá cân nặng ba mẹ cần chú ý:
-
Mức 1: chấp nhận được
-
Mức 2: có nguy cơ suy dinh dưỡng hoặc béo phì
-
Mức 3: suy dinh dưỡng hoặc béo phì mức độ nghiêm trọng.
Thực tế, khi bé đã ở mức 2, ba mẹ nên cho bé đến khám bác sĩ để được kiểm tra tổng thể và có giải pháp kịp thời. Nếu con chạm ngưỡng 3 thì không chỉ cân nặng mà sức khỏe của con cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng và có thể để lại hậu quả lâu dài.
Xem thêm: [Hỏi – Đáp] Bé 1 tháng tuổi cân nặng bao nhiêu? Phương pháp tăng trưởng tốt nhất cho con
3. Vì sao cân nặng trẻ sơ sinh sau 1 tháng không tăng, tăng ít hoặc tăng quá nhiều?
Hiện tượng sụt cân sinh lý, chế độ dinh dưỡng, sức khỏe của mẹ trong thời kỳ mang thai, lịch sinh hoạt và môi trường sống là những nguyên chính khiến cân nặng của bé tăng không đều.
3.1. Hiện tượng giảm cân sinh lý – Nguyên nhân khiến cân nặng không đạt chuẩn 1 tháng sau sinh
Ở giai đoạn 1 trong quá trình tăng trưởng cân nặng, hiện tượng giảm cân sinh lý xuất hiện ở hầu hết các bé dẫn đến trọng lượng sau 1 tháng đầu của bé không đạt chuẩn. Lý giải về hiện tượng này, các bác sĩ chuyên khoa cho biết: Trong tuần đầu tiên sau sinh, bé có thể bị sụt khoảng 10% khối lượng cơ thể do bị mất nước qua đường hô hấp, bài tiết nước tiểu, phân đồng thời nôn hết những dịch bẩn, nước ối mà bé nuốt phải trong quá trình chuyển dạ.
Theo đó, có 2 trường hợp sụt cân sinh lý ba mẹ cần theo dõi:
-
Tụt cân nhanh – Phục hồi nhanh: thường xảy ra với bé khỏe mạnh, bú tốt, sữa mẹ nhiều. So với lúc mới sinh, bé sẽ giảm khoảng 20 – 50g/ngày trong vòng 5 – 7 ngày đầu. Sau đó, cân nặng của bé sẽ được hồi phục và tiếp tục tăng bình thường.
-
Tụt cân chậm – Phục hồi chậm: tương tự với trường hợp sụt cân nhanh nhưng thời gian phục hồi, tăng cân trở lại kéo dài đến 12 – 14 ngày. Tuy nhiên, nếu bé khỏe mạnh và các nguồn dinh dưỡng đều tốt thì bé vẫn có thể đạt cân nặng chuẩn trong tháng đầu và các tháng tiếp theo.
3.2. Sức khỏe của mẹ trong thai kỳ
Trong thời gian mang bầu, nếu mẹ bị nghén kéo dài hoặc ăn ít do thay đổi nội tiết trong cơ thể, thai nhi có thể không nhận đủ dinh dưỡng và nhẹ cân khi chào đời. Ngược lại, nếu mẹ gặp các vấn đề như tăng cân nhanh, tiểu đường thai kỳ, v.v… thì khi mới sinh, bé sẽ nặng cân hơn và mức độ tăng cân sau sinh cũng tương tự.
3.3. Chế độ dinh dưỡng
Trong 1 năm đầu, đặc biệt là từ 0 – 6 tháng tuổi, dinh dưỡng của trẻ chủ yếu đến từ sữa mẹ nên chế độ ăn của mẹ quyết định đến 80% cân nặng của con. Các yếu tố khác bao gồm môi trường nơi ở, thời gian sinh hoạt và sức khỏe của bé. Do đó, nếu khẩu phần của mẹ không đảm bảo, thiếu chất hoặc thừa chất đều có thể khiến cân nặng của bé không đạt chuẩn.
Ở giai đoạn từ 6 – 12 tháng, khi bé ăn dặm, nếu thức ăn của con không đảm bảo cả về lượng và chất thì cân nặng của bé cũng sẽ thừa hoặc thiếu nghiêm trọng. Mặt khác, chúng còn ảnh hưởng đến miễn dịch tiêu hóa cũng như sức đề kháng của con nếu ăn uống không đúng cách.
3.4. Lịch sinh hoạt của bé
Giấc ngủ là yếu tố quan trọng nhất quyết định sự phát triển cân nặng, chiều cao và trí não của trẻ. Vì vậy, ba mẹ cần đảm bảo số giờ ngủ cũng như chất lượng giấc ngủ cho bé. Ngoài ra, khi bé đã có khả năng vận động nhiều ở giai đoạn 6 tháng trở lên, ba mẹ hãy tích cực giao tiếp, chơi trò chơi và tập các động tác nhẹ nhàng để con phát triển toàn diện nhé!
3.5. Môi trường sống
Phòng ngủ và các khu vực vui chơi của con nếu không đảm bảo vệ sinh cũng góp phần tăng thêm mầm bệnh và nguy cơ khiến con vừa không tăng cân, vừa làm suy giảm hệ miễn dịch khiến con dễ mắc bệnh.
4. Phương pháp điều chỉnh tốc độ tăng trưởng cân nặng cho trẻ 0 – 1 tuổi
Làm thế nào để bé tăng trưởng cân nặng nhanh và đều? Một số giải pháp gợi ý dưới đây sẽ giúp ba mẹ cải thiện cân nặng cũng như sức khỏe của con trong thời gian ngắn nhất.
4.1. Chú trọng chế độ ăn
Trong 1 năm đầu, dinh dưỡng chủ yếu của bé là sữa mẹ nên chế độ ăn của mẹ cần đảm bảo đủ nhóm chất, đa dạng thực phẩm và an toàn vệ sinh. Nếu dặm sữa công thức cần theo dõi xem con có phù hợp với sữa đó không.
Ngoài chế độ ăn, khi trẻ bú mẹ, bạn cần cho con bú đúng cách, bú đủ lượng sữa cần thiết mỗi cữ. Tránh để bé bú vặt, con nhanh đói và dễ quấy khóc nhiều. Lưu ý cho bé bú hết 1 bên để được uống cả sữa đầu và sữa cuối trước khi chuyển sang bên còn lại.
4.2. Đảm bảo chất lượng giấc ngủ
Vì sao giấc ngủ lại quan trọng? Ngủ không chỉ mang lại sự tỉnh táo, thoải mái tinh thần mà còn giúp bé phát triển. Khi chào đời, bé sẽ ngủ từ 16 – 18h/ngày và sẽ giảm dần thời gian khi bé trưởng thành. Tuy nhiên, dù thời lượng ngủ có thay đổi trẻ vẫn lớn trong khi ngủ miễn là đủ nhu cầu của con.
Cũng vì thế mà giấc ngủ ngày hay ngủ đêm đều quan trọng. Quan niệm ngủ ngày ít ban đêm sẽ ngủ ngon hơn là sai bởi nếu ngày không đủ dễ khiến bé khó chịu, khó vào giấc buổi tối. Ngoài ra, để có một giấc ngủ sâu, bé cần được ăn no đủ và nằm ở không gian thoải mái.
4.3. Khuyến khích vận động
Ngay khi con có thể lật, lẫy, bò thành thạo ba mẹ có thể sử dụng các món đồ chơi hoặc sáng tạo các trò chơi để khuyến khích con vận động giúp cơ thể linh hoạt hơn. Mặt khác, vận động cũng giúp cơ xương phát triển giúp con tăng trưởng chiều cao, cân nặng đồng đều.
4.4. Massage cho bé
Massage không chỉ mang lại sự thoải mái, tinh thần vui vẻ mà còn giúp trẻ cải thiện miễn dịch tiêu hóa, tạo cảm giác ăn ngon và kích thích thèm ăn. Quan trọng, nếu hệ tiêu hóa khỏe mạnh, con có thể ăn đa dạng thực phẩm với liều lượng lớn giúp con tăng cân đạt chuẩn mỗi tháng, mỗi giai đoạn.
Cân nặng trẻ sơ sinh sau 1 tháng là yếu tố quan trọng cho thấy sự phát triển của trẻ trong năm đầu đời. Do đó, ba mẹ cần hiểu và biết cách đánh giá chuẩn, từ đó xây dựng giải pháp giúp con cải thiện theo từng giai đoạn. Hi vọng qua bài viết hướng dẫn chi tiết từ Monkey, ba mẹ sẽ tự tin hơn trong hành trình nuôi dạy con lớn khôn.