Thời gian chuyển giao từ bú mẹ sang tập ăn thô cho bé luôn khiến các mẹ đau đầu bởi mỗi bé có sở thích và đặc điểm khác nhau. Tham khảo ngay bài viết của chuyên mục chăm sóc bé 0 – 3 tuổi để hiểu thêm về các phương pháp ăn thô cho bé ba mẹ nhé!
1Tập ăn thô cho bé – Cột mốc đánh dấu sự phát triển của bé
Khi bước vào giai đoạn tập cho bé ăn dặm, bên cạnh sữa công thức hay sữa mẹ, bé cũng được làm quen với các món ăn khác nhau. Những món ăn này có thể là bột gạo cho bé ăn dặm, rau, cháo, hoa quả,… khá lỏng và có kích thước rất nhỏ. Cho bé tập ăn thô là tăng dần độ thô hay tăng dần độ đặc và kích thước của thức ăn trong thực đơn hằng ngày.
Tập ăn thô sẽ giúp bé ăn được các loại thức ăn như người lớn, đồng thời cũng hỗ trợ bé làm quen, cảm nhận các hương vị mới một cách tốt hơn.
Tập ăn thô giúp bé có thể ăn các loại thức ăn như người lớn
2Cách tập ăn thô cho bé mẹ cần biết
Thời điểm cho bé tập ăn thô
Phần lớn trẻ sơ sinh đều sẵn sàng học cách nhai, nuốt thức ăn khi bé được 6 tháng tuổi. Mặc dù vậy không phải lúc nào quá trình chuyển đổi từ ăn lỏng sang ăn đặc cũng dễ dàng. Một số bé sẽ thích nghi nhanh nhưng cũng có một số bé khác phải mất nhiều thời gian hơn để làm quen với các loại thức ăn đặc.
Chính vì vậy, ngay khi thấy trẻ bắt đầu có những dấu hiệu sẵn sàng cho việc nhai nuốt, ba mẹ hãy tập ăn thô cho bé. Tuy nhiên, ba mẹ cũng không nên cố gắng dạy bé tập nhai trước khi bé tròn 6 tháng tuổi.
Độ thô trong thức ăn của bé
Trong quá trình tập ăn thô cho bé, nhiều bé chưa quen nên dễ ọe. Tuy nhiên, ba mẹ cũng không cần lo lắng bởi tình trạng này sẽ biến mất sau vài ngày nếu tăng độ thô cho bé đúng cách. Chẳng hạn, ba mẹ muốn bé ăn cháo đặc hơn, có thể tăng từ từ tỉ lệ của gạo và nước: Từ 1 gạo : 10 nước đến 2 gạo : 10 nước,… Cứ như vậy, ba mẹ thực hiện tăng dần cho bé.
Trong trường hợp ba mẹ thấy con ọe, không dám tăng thô, bé sẽ bỏ lỡ giai đoạn tập nhai. Từ đó khiến bé thường xuyên nuốt chửng, ăn bất cứ vật gì có kích thước hơi to là ọe. Vậy nên, ba mẹ cần hết sức lưu ý trong quá trình tăng thô cho bé.
Thức ăn thô cho bé theo độ tuổi
Khi áp dụng các cách tập cho bé ăn thô, ba mẹ hãy cố gắng thay đổi cấu trúc thức ăn sao cho phù hợp với độ tuổi của bé. Điều này sẽ giúp bé dễ dàng làm quen với mùi vị, cấu trúc và hạn chế biếng ăn tâm lý ở trẻ.
Theo viện Nhi khoa Mỹ và hiệp hội dinh dưỡng lâm sàng Anh quốc, việc thay đổi cấu trúc thức ăn không phụ thuộc vào số răng bé sở hữu mà tùy thuộc vào sự phát triển não bộ theo độ tuổi của từng trẻ. Do đó, ba mẹ hãy mạnh dạn tập ăn thô cho bé nhé!
3Tập cho bé ăn thô bằng những món gì trước?
Trong “cuộc chiến” tập cho bé ăn thô, việc lựa chọn thức ăn và cách chế biến sẽ quyết định rất lớn tới khả năng ăn và sức ăn của bé. Sau đây AVAKids xin chia sẻ tới ba mẹ một số loại thức ăn phù hợp cho các bé mới bắt đầu ăn thô, mời ba mẹ cùng tham khảo:
Rau củ
Rau củ là nguồn dinh dưỡng rất giàu chất xơ và khoáng chất, có vai trò cực kỳ quan trọng trong việc hoàn thiện hệ tiêu hóa cho trẻ nhỏ. Trong thời gian cho bé ăn thô, thực đơn thiếu rau củ có thể khiến trẻ bị táo bón và đầy hơi do thiếu thực phẩm giàu chất xơ cho bé. Vì vậy, ba mẹ hãy thường xuyên bổ sung và thay đổi đa dạng các loại rau củ như khoai lang (bánh khoai lang cho bé ăn dặm), cà rốt, súp lơ, bí ngô,… trong mỗi bữa ăn để đảm bảo bé được cung cấp đầy đủ các chất dinh dưỡng, đồng thời hỗ trợ bé làm quen với các loại hương vị và màu sắc khác nhau.
Để tập ăn thô cho bé, rau củ mẹ cần hấp hoặc luộc mềm để đảm bảo có thể dễ dàng tán nhuyễn. Mẹ cũng có thể cắt rau củ thành các khối hình vuông nhỏ hoặc cắt thành từng sợi dài tùy khả năng nhai và độ tuổi của bé để bé dễ ăn hơn. Theo các chuyên gia, mẹ chỉ nên bắt đầu với 2 – 3 bữa rau/tuần khi bé mới tập ăn thô. Tới khi kỹ năng của bé đã được cải thiện, hãy tăng thành 4 – 5 bữa/tuần mẹ nhé.
Mẹ có thể cho bé ăn thô bằng rau củ, thịt cá, các loại hoa quả mềm
Thịt
Thịt là loại thực phẩm giàu protein, có khả năng cung cấp đầy đủ năng lượng cho bé yêu thoải mái hoạt động mỗi ngày. Đặc biệt, trong thịt cũng rất nhiều vitamin và khoáng chất như sắt, kẽm,… vô cùng tốt cho sự phát triển trí não và thể chất của trẻ nhỏ. Các loại thịt gà, thịt lợn, thịt bò hay tôm cá rất phù hợp để chế biến các món ăn tập ăn thô cho bé biếng ăn hay thấp còi. Hương vị thơm ngon, cấu trúc mềm mịn sẽ kích thích bé ăn ngon hơn và nhiều hơn.
Tuy nhiên, khi chế biến thịt, mẹ cần xay nhuyễn và nấu thịt chín mềm rồi mới cho bé ăn để bé dễ nuốt và cũng hạn chế được tình trạng hóc. Với các bé 6 tháng, mẹ chỉ nên cho bé ăn thịt từ 1 – 2 bữa/tuần. Khi bé lớn hơn (9 – 12 tháng), mẹ có thể tăng dần lượng thịt trong tuần để bé có nhiều năng lượng vui chơi và khám phá thế giới xung quanh.
Trái cây
Các loại trái cây thơm ngon, đầy màu sắc cũng là gợi ý tuyệt vời để tập cho bé ăn thô. Trái cây là loại thực phẩm giàu vitamin C và axit folic giúp bé hạn chế tối đa nguy cơ mắc các bệnh thường gặp như trẻ bị mẩn đỏ, mụn lưng hay rôm sảy.
Mẹ có thể bổ sung trái cây vào thực đơn cho bé yêu bằng cách thành từng miếng nhỏ và cho bé ăn kèm trong bữa chính. Một số loại trái cây phù hợp để tập ăn thô cho bé có thể kể đến: chuối, đu đủ, na, xoài chín, bơ,… Khi bé ăn thô giỏi hơn, mẹ có thể chuyển sang các loại hoa quả như táo, lê hay dưa hấu,…
4Phương pháp tập ăn thô cho bé hiệu quả
Ăn dặm kiểu Nhật
Với phương pháp ăn dặm kiểu Nhật, mẹ có thể bắt đầu từ việc đút cho bé ăn. Thức ăn sử dụng trong phương pháp này sẽ được đặt trong bát hoặc có thể là khay riêng.
Tập ăn thô cho bé kiểu Nhật hướng tới mục tiêu giúp bé rèn luyện kỹ năng xử lý thức ăn. Để đảm bảo sau 1 tuổi, bé có thể tự ăn và ăn các món ăn như người lớn. Độ thô của thức ăn sẽ được điều chỉnh theo từng giai đoạn như sau:
- Cho bé 5 – 6 tháng: Mẹ nấu cháo cho bé với tỉ lệ 1 gạo : 10 nước rồi lọc qua rây. Các món ăn khác cũng cần hấp chín và nghiền mịn.
- Cho bé 7 – 8 tháng: Mẹ hãy tăng tỉ lệ gạo và nước lên thành 1:7 và không lọc qua rây. Các món ăn khác thay vì nghiền mịn, mẹ có thể nghiền nhỏ để bé tập làm quen.
- Cho bé 9 – 11 tháng: Mẹ nấu cháo với tỉ lệ 1 gạo : 3 nước hoặc 1 gạo : 5 nước. Độ thô của thức ăn cũng tăng dần bằng cách xé tơi. Ở giai đoạn này thay vì đút cho bé ăn, mẹ hãy để bé tập bốc nhé!
- Cho bé 12 – 18 tháng: Mẹ cho bé ăn cơm mềm hoặc cơm nát, các món ăn kèm có thể để nguyên miếng hoặc cắt nhỏ vừa phải. Lúc này, khi bé đã quen với việc bốc, mẹ có thể cho bé tập làm quen với việc sử dụng thìa.
Ăn dặm kiểu truyền thống
Tập ăn thô cho bé kiểu truyền thống cũng là phương pháp được nhiều mẹ lựa chọn áp dụng. Bé sẽ được ăn bột hoặc cháo nấu kèm các loại rau và thịt xay nhuyễn ngay từ khi mới bắt đầu.
Tuy phương pháp ăn dặm này khá phổ biến, tuy nhiên lại tồn tại nhược điểm khiến bé không có kỹ năng ăn thô. Mặc dù vậy, hiện nay ăn dặm kiểu truyền thống đã được cải tiến nhằm hỗ trợ bé ăn thô tốt hơn thông qua các giai đoạn khác nhau như:
- Cho bé 6 – 9 tháng: Mẹ cho bé ăn bột nấu kèm các loại rau củ và thịt cá khác nhau.
- Cho bé 10 – 13 tháng (1 tuổi): Mẹ cho bé ăn cháo xay như cháo mực cho bé, cháo thịt bò,…
- Cho bé 14 – 18 tháng: Mẹ cho bé ăn cháo đặc.
- Cho bé hơn 18 tháng (2 tuổi): Mẹ cho bé ăn cơm mềm hoặc nát.
- Cho bé từ 30 tháng: Mẹ cho bé ăn cơm mềm hoặc cơm khô.
Bé ăn dặm kiểu truyền thống
Ăn dặm BLW (ăn dặm tự chỉ huy)
Phương pháp tập ăn thô cho bé theo thực đơn ăn dặm BLW không có giai đoạn tăng thô nên bé sẽ được tự ăn thức ăn thô ngay từ thời gian đầu. Bé không ăn thức ăn nghiền nhuyễn mà sẽ được làm quen với thực phẩm chín để nguyên miếng và tự học cách xử lý chúng.
Giai đoạn đầu, thức ăn chính của bé là rau củ được cắt thành miếng dài rồi đem luộc hoặc hấp chín. Sau đó thức ăn sẽ dần được cắt nhỏ dựa theo tốc độ phát triển kỹ năng bốc nhón, sử dụng thìa hay đũa của bé.
Kiểu ăn dặm kết hợp
Mỗi phương pháp đều có ưu, nhược điểm. Tùy thuộc vào sở thích và khả năng ăn dặm của bé, ba mẹ có thể lựa chọn các phương pháp khác nhau.
Bên cạnh việc áp dụng riêng rẽ các phương pháp tập ăn thô cho bé, ba mẹ cũng có thể thử kết hợp chúng với nhau:
Ăn dặm truyền thống và ăn dặm BLW
Mẹ cho bé ăn thức ăn nhuyễn kèm theo các loại thức ăn khác trong một bát. Như vậy bé cũng sẽ được tập ăn thô ngay từ giai đoạn đầu
Ăn dặm kiểu Nhật và ăn dặm BLW
Với phương pháp tập ăn thô cho bé kết hợp giữa kiểu Nhật và BLW, bé ăn thức ăn dạng nhuyễn và dạng thanh để nguyên trong từng bát từ khi mới bắt đầu. Tuy nhiên, khi áp dụng phương pháp này, ba mẹ cũng cần lưu ý tách riêng bữa ăn kiểu Nhật và bữa ăn chỉ huy để bé không bị bối rối và giúp bé học các kỹ năng tốt hơn.
5Đôi lời từ AVAKids
Ăn thô sẽ không còn là ác mộng nếu ba mẹ hiểu rõ khi nào bé sẵn sàng ăn thô và tập ăn thô cho bé đúng cách. Mỗi trẻ đều có tính cách và tốc độ phát triển khác nhau, vậy nên ba mẹ cần lắng nghe trẻ để đạt hiệu quả tốt nhất.
Ngoài ra, các mẹ còn có thể bổ sung dưỡng chất cho bé bằng cách sử dụng bột ăn dặm và các loại bánh ăn dặm giàu dinh dưỡng
Lan Anh tổng hợp
Nhật Quang đã kiểm duyệt