Nhiễm trùng máu (nhiễm khuẩn huyết): Nguyên nhân, triệu chứng

Nhiễm trùng máu là bệnh lý nguy hiểm, có thể dẫn đến nhiều biến chứng, thậm chí là tử vong nếu không phát hiện và điều trị kịp thời. Để biết thêm thông tin về nhiễm trùng máu, hãy cùng Nhà thuốc An Khang theo dõi bài viết dưới đây!

1Nhiễm trùng máu là gì?

Giới thiệu chung

Nhiễm trùng máu (hay nhiễm khuẩn huyết) là một tình trạng nguy hiểm ảnh hưởng tới tính mạng, xảy ra khi vi khuẩn xâm nhập vào máu và các cơ quan, hệ miễn dịch của cơ thể phản ứng quá mức với nhiễm trùng, gây tổn thương các cơ quan.

Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế Giới (WHO) cho thấy, mỗi năm trên thế giới có đến 30 triệu người lớn, 3 triệu trẻ sơ sinh và 1,2 triệu trẻ em bị nhiễm khuẩn huyết. Trong đó có 6 triệu người lớn và 500.000 trẻ sơ sinh tử vong vì căn bệnh này.

Nhiễm trùng máu là bệnh lý nguy hiểm

Nhiễm trùng máu ở trẻ sơ sinh

Nhiễm khuẩn huyết ở trẻ sơ sinh thường xảy ra trong 90 ngày đầu sau sinh. Dựa theo thời gian nhiễm trùng có thể phân loại thành:

  • Nhiễm trùng trong quá trình sinh (khởi phát sớm): thường xảy ra trong 24 – 48 tiếng sau sinh. Nguyên nhân chủ yếu là do trẻ bị nhiễm bệnh từ mẹ trước và trong quá trình sinh. Một số yếu tố làm tăng nguy cơ nhiễm khuẩn khởi phát sớm như: mẹ nhiễm streptococcus nhóm B khi mang thai, sinh non, nhiễm trùng ối, vỡ ối kéo dài trên 18 tiếng,…
  • Nhiễm trùng sau sinh (khởi phát muộn): xảy ra sau sinh khi trẻ phải đặt ống thông mạch máu kéo dài hoặc phải nằm viện trong thời gian dài.

Ngoài ra, trẻ sinh non hoặc sinh ra nhẹ cân cũng sẽ dễ bị nhiễm khuẩn huyết hơn do hệ miễn dịch còn yếu.

Trẻ sinh non, nhẹ cân dễ bị nhiễm trùng máu

Nhiễm trùng máu ở người lớn

Hệ miễn dịch của người có độ tuổi càng cao thì càng suy yếu bởi nhiều nguyên nhân như lão hóa, các bệnh mạn tính,… Điều này khiến các vi khuẩn gây bệnh dễ dàng đi vào máu và dẫn đến nhiễm trùng.

Ngoài ra, một số nguyên nhân khác cũng có thể dẫn đến nhiễm khuẩn huyết ở người lớn tuổi bao gồm: viêm phổi, nhiễm trùng tiết niệu, các vết thương trên da,…

Hệ miễn dịch của người cao tuổi suy yếu

2Nguyên nhân nhiễm trùng máu

Nhiễm trùng máu chủ yếu gây ra do vi khuẩn xâm nhập trực tiếp vào máu hoặc từ các ổ nhiễm khuẩn ở các mô tế bào, cơ quan như: da, cơ, xương, khớp, tiêu hóa, hô hấp,…

Trong đó, những loại nhiễm trùng dưới đây có khả năng gây bệnh cao hơn:

  • Nhiễm trùng da.
  • Viêm phổi.
  • Nhiễm trùng ổ bụng.
  • Nhiễm trùng đường tiết niệu.
  • Nhiễm trùng đường tiêu hóa.
  • Nhiễm trùng thần kinh trung ương.

Nhiễm trùng da là nguyên nhân gây nhiễm khuẩn huyết

3Triệu chứng, dấu hiệu nhiễm trùng máu

Nhiễm trùng máu là tập hợp những biểu hiện lâm sàng của một tình trạng nhiễm trùng – nhiễm độc toàn thân rất nặng, gây choáng (sốc), suy đa tạng và tử vong nhanh.

Các triệu chứng có thể là:

  • Sốt: Sốt cao trên 38 độ C là dấu hiệu sớm và quan trọng nhất của nhiễm trùng máu.
  • Hạ thân nhiệt: Mặc dù sốt là dấu hiệu quan trọng nhất, tuy nhiên trong một số ít các trường hợp, đáp ứng của cơ thể khi bị nhiễm trùng lại là hạ thân nhiệt. Hạ thân nhiệt có thể là tình trạng nhiễm khuẩn huyết chuyển biến nặng hơn và tiên lượng cũng xấu hơn.
  • Ớn lạnh: Khi sốt, bệnh nhân có thể kèm theo ớn lạnh.
  • Đau nhức: Có thể đau ở toàn bộ cơ thể hoặc chỉ một số bộ phận.
  • Khó thở hoặc thở rất nhanh.
  • Tim đập nhanh, hạ huyết áp.
  • Da nhợt nhạt, tím tái do lượng máu tới da có thể bị giảm đi.
  • Tâm thần kinh: có nhiều mức độ khác nhau như mệt mỏi, lơ mơ, li bì hoặc vật vã kích thích, nặng nhất là hôn mê. Rối loạn ý thức thường đi kèm với sốc nhiễm khuẩn.
  • Gan, lách to dưới bờ sườn, mềm, ấn tức.

Sốt là triệu chứng điển hình khi bị nhiễm khuẩn huyết

4Các yếu tố tăng nguy cơ nhiễm trùng máu.

Bất kỳ ai cũng có thể bị nhiễm trùng máu. Tuy nhiên, nguy cơ nhiễm khuẩn huyết thường cao hơn ở một số đối tượng dưới đây:

  • Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, đặc biệt là những trẻ sinh non, nhẹ cân hay có dị tật bẩm sinh.
  • Phụ nữ đang mang thai.
  • Người trên 65 tuổi, người già có sức đề kháng kém.
  • Người mắc các bệnh mạn tính như đái tháo đường, tim mạch, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD), động kinh,…
  • Người có hệ miễn dịch suy yếu, đang sử dụng corticoid, thuốc ức chế miễn dịch kéo dài hay điều trị hóa trị, xạ trị như HIV/AIDS, ung thư,…
  • Người đang điều trị với những dụng cụ xâm lấn như nội khí quản, sonde dạ dày, sonde tiểu,…
  • Người từng bị nhiễm trùng máu, có bệnh máu ác tính, người bị cắt lách,…

Phụ nữ có thai là đối tượng có nguy cơ cao bị nhiễm khuẩn huyết

5Nhiễm trùng máu có nguy hiểm không?

Nhiễm trùng máu là bệnh lý cực kỳ nguy hiểm. Người bị nhiễm trùng máu thường có tiên lượng tử vong cao hơn các bệnh nhiễm trùng khác. Mức độ nguy hiểm của bệnh phụ thuộc vào nhiều yếu tố như tình trạng bệnh, tuổi tác, bệnh lý đi kèm và thời gian phát hiện.

Thông thường, thời gian ủ bệnh nhiễm khuẩn huyết rất ngắn. Bệnh dễ dẫn đến những biến chứng nghiêm trọng chỉ sau vài ngày, thậm chí là vài giờ.

Nhiễm trùng máu nguy hiểm không chỉ vì độc tố của vi sinh vật tấn công cơ thể mà còn vì các chất trung gian hóa học do hệ thống miễn dịch giải phóng vào máu, kích hoạt phản ứng viêm toàn thân để chống lại nhiễm trùng nhưng lại đồng thời gây tổn thương chính các cơ quan trong cơ thể.

Nhiễm trùng máu có thể gây viêm nội mạc mao quản, viêm màng não, áp-xe não, suy thận cấp hoặc tác động xấu đến xương khớp, viêm cơ tim, viêm màng ngoài tim, viêm động mạch,…

Hệ miễn dịch của người cao tuổi suy yếu

6Nhiễm trùng máu có chữa được không?

Nhiễm trùng máu nếu được phát hiện càng sớm thì cơ hội chữa khỏi bệnh càng cao và thời gian điều trị cũng ngắn hơn. Người bị nhiễm khuẩn huyết cần được theo dõi và giám sát chặt chẽ trong phòng chăm sóc đặc biệt với phác đồ điều trị tích cực để theo dõi nhịp thở, chức năng tim cũng như các cơ quan khác của cơ thể.

Nhiễm trùng máu có thể chữa được nếu được phát hiện sớm và điều trị kịp thời

7Các phương pháp điều trị nhiễm trùng máu

Khi bị nhiễm trùng máu, người bệnh có thể cần được kết hợp điều trị các biện pháp sau đây:

  • Kháng sinh: Dùng kháng sinh càng sớm càng tốt. Sau khi có kết quả xét nghiệm sẽ điều trị theo kháng sinh đồ.
  • Truyền dịch: Chủ yếu là nước muối bình thường hoặc nước có chứa khoáng chất.
  • Liệu pháp oxy: Để cung cấp oxy cho máu bằng máy thở.
  • Lọc máu: Trong trường hợp suy thận cấp.
  • Phẫu thuật: Để loại bỏ khu vực bị nhiễm trùng thành áp xe, hoại tử,…
  • Tăng sức đề kháng của cơ thể: Sử dụng các dịch truyền đạm, chất béo, vitamin,…

Người bị nhiễm trùng máu cần sử dụng kháng sinh càng sớm càng tốt

Người bị nhiễm trùng máu cần sử dụng kháng sinh càng sớm càng tốt

8Khi nào cần gặp bác sĩ

Các dấu hiệu cần gặp bác sĩ

  • Sốt cao hoặc hạ thân nhiệt, cảm thấy ớn lạnh.
  • Mệt mỏi, li bì, nôn ói liên tục.
  • Vết thương sưng, đỏ, đau kéo dài.
  • Khó thở, nhịp tim bất thường.
  • Da tím tái, nhợt nhạt.

Thăm khám bác sĩ khi có dấu hiệu của bệnh

Chẩn đoán

Bác sĩ sẽ chẩn đoán nhiễm trùng máu bằng các phương pháp sau:

  • Cấy máu xác định vi khuẩn gây bệnh: Đây là tiêu chuẩn vàng để chẩn đoán nhiễm trùng máu.
  • Xét nghiệm công thức máu.
  • Xét nghiệm đánh giá chức năng gan thận.
  • Xét nghiệm hình ảnh: chụp X quang, chụp CT, siêu âm,… để tìm kiếm dấu hiệu nhiễm trùng.

Cấy máu để xác định vi khuẩn

Tham khảo một số bệnh viện uy tín

  • Tại Hà Nội: Bệnh viện Bạch Mai, Viện huyết học truyền máu Trung Ương, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, Bệnh viện Vinmec,…
  • Tại Thành phố Hồ Chí Minh: Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Đại học Y Dược Tp.HCM, Bệnh viện truyền máu huyết học, Bệnh viện Nhi Đồng.

Xem thêm:

  • Thiếu máu do thiếu sắt là gì? Nguyên nhân, triệu chứng, phòng ngừa, các biến chứng
  • Chủ động phòng ngừa thiếu máu
  • Đi cầu ra máu tươi là biểu hiện của bệnh gì?