1. Chứng sài là gì?
Sài không phải tên gọi của 1 bệnh mà là tên gọi các Chứng (triệu chứng của các bệnh khác nhau). Trong các Y Văn rất ít thấy nói đến chứng Sài, nhưng thực tế nó lại được sử dụng rộng rãi, phổ thông trong nhân dân. Chứng Sài thường dùng để gọi những triệu chứng bất thường của trẻ nhỏ từ sơ sinh đến 2-3 tuổi, cũng có khi là chứng của 1 bệnh lạ, hoặc bệnh nặng, bệnh nguy hiểm…
2. Các chứng sài thường gặp
– Sài Mối: lưỡi của trẻ hay thò ra, thụt vào; có thể kèm theo sốt, chảy dãi, lở loét miệng lưỡi… chứng Sài Mối có thể là triệu chứng của các bệnh cam, nóng trong, viêm đường hô hấp ( phế quản, mũi, họng ), viêm đường tiêu hóa, viêm tiết niệu…
– Sài Chéo: trẻ ngồi hay bắt chéo chân; có thể kèm theo chân tay teo nhẽo, mềm yếu… chứng Sài Chéo thường là triệu chứng của bệnh suy dinh dưỡng, còi xương (bệnh ở giai đoạn rất nặng).
– Sài Mòn: trẻ gầy mòn, gầy yếu là triệu chứng của bệnh suy dinh dưỡng, còi xương.
– Sài Đẹn: trẻ hay quấy khóc bất thường; có thể kèm theo sốt, chậm lớn hoặc sút cân…chứng Sài Đẹn có thể là triệu chứng của các bệnh tiêu hóa ( kiết lỵ, táo bón, tắc ruột cơ năng; một số ít là các trường hợp về gan, mật… ), hoặc nóng trong… Một số địa phương lại gọi Sài Đẹn là chứng mọc mụn nhỏ bất thường từng đám trên người trẻ.
– Sài Giật: trẻ co giật bất thường; thường kèm theo sốt cao, ho… chứng Sài Giật có thể là triệu chứng sốt cao co giật của bệnh viêm phổi, viêm não
– Sài Hen: trẻ khò khử, khó thở… thường là triệu chứng của bệnh hen phế quản.
3. Chứng sài và bệnh nhi khoa
Sài là tên gọi trong dân gian một cách rất thông minh và đơn giản để nhận biết các triệu chứng điển hình, các dấu hiệu bất thường của trẻ; để từ đó phát hiện sớm bệnh. Điều này rất quan trọng, vì trẻ nhỏ cơ thể rất non yếu ( âm dương đều bất túc ) rất dễ bị mắc bệnh, bệnh xoay chuyển rất nhanh, diễn biến rất nhanh, biến chứng cũng rất nhanh; nguyên nhân là do đặc điểm giải phẫu sinh lý của trẻ chưa hoàn thiện:
– Hệ thống miễn dịch và đề kháng bệnh tật yếu kém
– Mới từ trong bụng mẹ ra, chưa thích nghi với môi trường
– Sau khi ra khỏi bụng mẹ thì trẻ mới bắt đầu thở bằng phổi, hệ tuần hoàn, hệ tiêu hóa mới bắt đầu làm việc và dần dần hoàn thiện
– Hệ thần kinh, da, cơ, xương và một số bộ phận của cơ quan hô hấp như hầu họng, khoang mũi…chưa hoàn chỉnh
– Đặc điểm sinh lý của trẻ rất phức tạp, thay đổi theo từng tuần tuổi, tháng tuổi, năm tuổi
– Trẻ chưa biết nói hoặc nói không rõ ( vì thế Đông y gọi là Á Khoa ), không biết diễn đạt kể bệnh