Nguyên nhân đau bụng dưới ở tam cá nguyệt thứ 3
Có rất nhiều nguyên nhân khiến mẹ bầu 30 tuần bị đau bụng dưới. Mức độ nguy hiểm tuỳ thuộc vào triệu chứng cơn đau mang lại.
Cơn gò sinh lý
Bước vào tuần thứ 30 trở đi, phụ nữ mang thai có thể nhận thấy được những cơn gò tử cung. Đó là cơn gò sinh lý có tên gọi Braxton-Hicks. Triệu chứng là những cơn gò nhẹ thoáng qua, trong khoảng thời gian 30 giây đến 1 phút.
Những cơn gò khiến bà bầu có cảm giác vùng bụng dưới bị đau và căng tức, khó chịu. Tuy nhiên, chúng được xem là cơn đau chuyển dạ giả để mẹ bầu thích nghi với chuyện sinh nở sắp tới chứ không kích thích cổ tử cung mở.
Cho nên thai phụ đừng quá lo lắng. Hãy làm quen với những cơn gò này và biết cách phân biệt cơn gò sinh lý với những cơn co thắt do sắp chuyển dạ để chuẩn bị tâm lý cho việc sinh em bé.
Do bất thường ở dạ con
Những hiện tượng bất thường ở dạ con là nguyên nhân nguy hiểm gây nên cơn đau bụng dưới ở mẹ bầu tuần 30. Đây có khả năng là dấu hiệu cảnh báo cho bệnh tiền sản giật hoặc thai chết lưu mà mẹ không biết.
Khi mang thai ở tuần thứ 20 trở đi, phụ nữ mang thai hết sức lưu ý các dấu hiệu đi kèm:
-
Xuất huyết âm đạo.
-
Sốt, buồn nôn, ớn lạnh.
-
Rò rỉ dịch âm đạo.
-
Tăng cân đột ngột.
-
Nhức đầu dai dẳng.
-
Sưng tấy bất thường ở tay và mặt.
Nếu thấy bất kỳ dấu hiệu nào trên, mẹ cần đi khám hoặc gọi ngay cho bác sĩ để được tư vấn.
Bong nhau thai
Bong nhau thai là hiện tượng khá nguy hiểm. Nhau thai tách ra khỏi thành tử cung sớm hơn dự định và thường xuất hiện ở 3 tháng cuối thai kỳ. Tình trạng này không chỉ gây đau bụng dưới ở mẹ mà còn có thể nguy hiểm tới thai nhi.
Cứ 100 người mang thai sẽ có 1 trường hợp bị bong nhau thai trước thời điểm sinh nở. Nếu mẹ thấy có hiện tượng đi kèm như: Máu đen hoặc đỏ xuất hiện cùng dịch chảy ra từ âm đạo nên đi khám ngay. Lúc này, bác sĩ sẽ chỉ định mẹ bầu sinh mổ để đảm bảo an toàn cho cả mẹ và con.
Hiện tượng sinh non
Sinh non là hiện tượng dễ gặp ở nhiều phụ nữ mang thai, hiện tượng này thường xảy ra ở trước tuần thứ 37. Theo tổ chức Y tế thế giới, hiện nay tình trạng sinh non chiếm khoảng từ 5 – 15% trong tổng số các cuộc sinh nở.
Nguyên nhân chủ yếu do: Cổ tử cung suy yếu, vỡ ối sớm, huyết áp tăng cao, chảy máu… Sinh non khá nguy hiểm có tỷ lệ gây tử vong chu sản cao nếu tuổi thai nhi càng non.
Ngoài ra, nó còn có nguy cơ cao để lại các di chứng về thần kinh. Khi mẹ thấy có bất kỳ dấu hiệu bất thường nào cần đi khám ngay lập tức.
Tác động của thai nhi
Bước vào tam cá nguyệt thứ 3, bà bầu có thể nhận thấy được thai nhi đang chuyển động, đó thậm chí là những cú đạp chân khá mạnh lên thành bụng của mẹ. Điều này làm cho mẹ bầu 30 tuần bị đau bụng dưới.
Đây chỉ là dấu hiệu cho thấy em bé của bạn đang phát triển khỏe mạnh và khá nghịch ngợm. Dù tác động này của thai nhi làm mẹ bị đau, khó chịu nhưng em bé thì vẫn bình an nên mẹ đừng lo lắng nhé.
Nhiễm trùng đường tiết niệu
Nhiễm trùng đường tiết niệu là triệu chứng mà không ít người mang thai gặp phải. Nếu không sớm phát hiện, mẹ sẽ phải đối mặt với nguy cơ sinh non. Cảm giác không dễ chịu chút nào:
- Khi tiểu tiện sẽ cảm thấy đau buốt, nóng rát, rất khó chịu, có thể còn kèm theo mùi tanh hoặc máu.
- Đau nhức dữ dội ở vùng bụng phía trên xương mu hoặc vùng chậu.
- Nhiều khi đi tiểu đột ngột, mất kiểm soát, cả khi trong bàng quang chỉ chứa rất ít nước tiểu.
Táo bón
Táo bón xuất hiện ở mẹ bầu tuần 30 thường do chế độ dinh dưỡng không đảm bảo. Cùng với đó, sự chèn ép liên tục của tử cung lên thành ruột hoặc nồng độ Progesterone gia tăng làm giảm nhu động ruột khiến bụng dưới bị đau.
Táo bón cũng có thể là nguyên nhân khiến phụ nữ đang mang thai bị đau vùng bụng dưới. Nhiều thai phụ bị táo bón khi có bầu thường là do chế độ ăn uống không khoa học, ăn ít chất xơ và uống không đủ nước. Ngoài ra, do thai nhi phát triển gây áp lực lên vùng chậu khiến thai phụ khó đi tiêu.
Để khắc phục tình trạng táo bón, thai phụ cần có chế độ dinh dưỡng phù hợp kèm với luyện tập thể thao nhẹ nhàng. Mẹ bầu cũng có thể uống thuốc nhuận tràng nếu bị táo bón nặng kéo dài. Tuy nhiên, bất kỳ loại thuốc nào mẹ uống cũng cần có sự chỉ định của bác sĩ.
Một số nguyên nhân khác
Bên cạnh những nguyên nhân phổ biến trên, mẹ bầu tuần 30 bị đau bụng dưới có thể do:
-
Sảy thai: Hiện tượng rất nguy hiểm Nếu mẹ có những biểu hiện: Đau lưng từ nhẹ đến nặng, chảy máu âm đạo có cục máu đông, đau bụng dữ dội hoặc thai nhi không đạp… nên đi khám ngay.
-
Bị bệnh hoặc viêm như: Sỏi thận, sỏi mật, viêm tụy, viêm ruột thừa, vết loét hoặc dị ứng thực phẩm…
-
Đau dây chằng tròn: Do khung chậu giữ tử cung bị giãn ra làm căng các dây chằng khiến chúng bị căng và hoạt động quá mức, tạo nên hiện tượng đau buốt, đau thắt đột ngột dữ dội hoặc khó chịu khi di chuyển nhanh.
Mẹ bầu 30 tuần bị đau bụng dưới phải làm gì?
Bước vào tuần 30, nếu bị đau bụng dưới, phụ nữ mang thai cần giữ bình tĩnh, xác định nguyên nhân của cơn đau là do đâu để từ đó có hướng xử trí hợp lý.
Mẹ hãy xem xét kỹ cường độ và thời gian đau kèm những biểu hiện đi cùng. Nếu đau dữ dội, kéo dài, kèm với ra máu và chảy dịch âm đạo, nóng sốt, hoa mắt, chóng mặt thì phải tìm đến sự tư vấn và hỗ trợ của bác sĩ. Nếu chỉ là cơn gò sinh lý, đau do bé tác động hoặc do bị táo bón… thì mẹ hãy áp dụng những cách sau để giúp kiểm soát cơn đau:
- Thư giãn bằng cách massage cơ thể nhẹ nhàng, tất nhiên phải tránh vùng bụng bầu và vùng ngực.
- Chọn trang phục rộng rãi để cơ thể được giải phóng thoải mái, không bị chèn ép khó chịu.
- Uống đủ lượng nước cần thiết mỗi ngày, ít nhất 2 đến 3 lít, có thể bổ sung nước với các loại nước ép hoa quả.
- Không uống đồ uống có chứa chất cồn, không nên ăn đồ ăn đóng hộp sẵn, hạn chế ăn đồ cay, nóng và đồ ăn nhiều tinh bột giúp phòng tránh táo bón.
- Nằm nghỉ bất cứ khi nào có thể, đừng đứng hoặc ngồi quá lâu trong một tư thế.
- Giữ tinh thần luôn được vui vẻ, lạc quan và ngủ đủ giấc mỗi ngày.
- Cung cấp thêm lượng lớn canxi, kali cho cơ thể với các loại thực phẩm như chuối, nho,…
- Tập thể dục nhẹ nhàng, phù hợp, vừa sức.
- Hạn chế quan hệ tình dục hoặc quan hệ với các tư thế an toàn với thai nhi, trong những tháng cuối thai kỳ, để phòng tránh nguy cơ sinh non.
Xem thêm: Mẹ bầu 30 tuần cần lưu ý những vấn đề gì?
Khi nào cần gặp bác sĩ?
Mẹ bầu 30 tuần bị đau bụng dưới cần được theo dõi kỹ. Cách tốt nhất là đến gặp bác sĩ để được tư vấn, xác định nguyên nhân. Bản thân mẹ bầu cần nắm rõ những biểu hiện, triệu chứng thay đổi của cơ thể mình. Trong mỗi lần thăm khám, nên trình bày cụ thể từng dấu hiệu cho bác sĩ để được chẩn đoán chính xác nhất.
Khi xuất hiện những triệu chứng sau, phụ nữ mang thai cần liên lạc ngay cho bác sĩ hoặc đến các cơ sở y tế để cấp cứu:
- Bị đau vùng bụng dữ dội, không thể chịu đựng, đặc biệt là vùng bụng ở phía bên phải.
- Đau bụng kèm theo đó là hiện tượng chảy máu ra từ âm đạo.
- Bụng xảy ra những cơn co thắt liên tục, lặp lại, không có dấu hiệu thuyên giảm.
- Rối loạn huyết áp, kèm theo triệu chứng sốt, đau đầu, chóng mặt, mỏi mệt, khó thở.
- Xuất hiện tình trạng bị ngứa, vàng da, có thể là ngứa toàn thân hoặc chỉ một vùng nào đó trên da, thậm chí là ở vùng mắt.
Tốt nhất, ở thời kỳ tam cá nguyệt thứ 3, phụ nữ mang thai nên chủ động đi khám thường xuyên theo đúng chỉ định của bác sĩ. Đồng thời kê khai lại chính xác các dấu hiệu và triệu chứng bất thường để có chẩn đoán chính xác nhất.
Mẹ bầu 30 tuần bị đau bụng dưới không thể chủ quan, vì đây có thể là cảnh báo nguy hiểm. Hãy ghi nhớ các triệu chứng trên để đảm bảo thai kỳ được phát triển toàn diện, khoẻ mạnh.