Sự phát triển của thai nhi tuần 29 | Vinmec

Cân nặng tăng mẹ trong tuần này trung bình vào khoảng 8,6 đến 11,3 kg. Lượng calo khuyến cáo nạp vào trong giai đoạn này là 2.400 kcal một ngày, cao hơn mức khuyến cáo nói chung tầm 500 kcal một ngày.

Mức hóc môn trong thai kì cũng khiến mẹ dễ tăng cân hơn. Mẹ còn có thể bị đau ngực và suy giãn tĩnh mạch.

Vào tuần thai thứ hai mươi chín, bụng của mẹ càng lúc càng lớn và nhô ra, mẹ sẽ rất khó nhìn thấy bàn chân của mình. Bề cao tử cung từ 26 đến 35 cm, lượng nước ối tăng lên vào khoảng 9 cm xung quanh rốn của mẹ.

Ngực của mẹ lớn hơn, khiến mẹ phải chọn áo ngực phù hợp. Những triệu chứng khác mẹ có thể gặp khi thai 29 tuần bao gồm:

  • Móng tay móng chân mọc dài nhanh hơn do sự thay đổi hóc môn.
  • Táo bón là một trong những triệu chứng thường gặp, và có thể gây ra những triệu chứng đi kèm như đau bụng, đầy hơi và phân rắn. Mẹ nên ăn thức ăn giàu chất xơ và uống thật nhiều nước.
  • Suy giãn tĩnh mạch có thể hình thành trên hai chân, và cũng bình thường suốt thai kì. Mẹ có thể sử dụng tất chân y tế để hạn chế triệu chứng và phòng ngừa biến chứng theo lời khuyên của bác sĩ.
  • Tâm trạng hay thay đổi.
  • Đau bụng.
  • Khó thở do kích thước của tử cung. Mẹ hãy cố gắng nghỉ ngơi ngay khi có thể, nếu mẹ bị khó thở nhiều, hãy thông báo cho bác sĩ.
  • Mẹ cũng hay bị đau nửa đầu, mẹ có thể giảm đau bằng cách nằm nghỉ trong phòng yên tĩnh và tắt đèn, cũng như chườm lạnh lên cổ hoặc trán.
  • Đi tiểu nhiều lần là bình thường. Do áp lực từ tử cung và em bé lên bàng quang tăng lên, cố lên mẹ nhé, vì mang thai vốn đã mệt, mẹ còn phải đi vệ sinh nhiều lần vào ban đêm.
  • Trĩ có thể gây ngứa và đau, mẹ đừng đứng quá lâu. Nếu đau không giảm, mẹ có thể hỏi ý kiến bác sĩ trước khi uống bất kì loại thuốc nào trong thai kì. Nếu chẳng may bị chảy máu trực tràng, mẹ hãy đi khám ngay nhé. Tập thể dục thường xuyên, uống thật nhiều nước và có chế độ ăn giàu chất xơ có thể phòng táo bón.
  • Tiền sản giật có nguy cơ xuất hiện trong khoảng thời gian này. Biến chứng chính của tiền sản giật là cao huyết áp, gây hậu quả lên chức năng gan và thận. Mẹ đừng bỏ lỡ buổi hẹn nào với bác sĩ nhé, vì tiền sản giật có thể dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm. Mẹ nên kiểm tra huyết áp thường xuyên và nắm rõ mức huyết áp bình thường là bao nhiêu, để có thể nhận ra những thay đổi huyết áp bất thường. Tiền sản giật thường đi kèm với những triệu chứng bao gồm sưng nề ở chân, đau đầu mãi không khỏi cũng như buồn nôn và nôn.